Phối hợp nhà trường siết chặt ATTP

Theo Chi Cục an toàn thực phẩm tỉnh Hà Giang, từ năm 2020 tới nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 4 vụ ngộ độc thực phẩm tập thể ở trường học. Cụ thể:

Tại trường Phổ thông dân tộc Bán trú Tiểu học Hữu Vinh, thôn Sủng Pảo 2, xã Hữu Vinh, huyện Yên Minh ngày 14/1/2021, 133 người ngộ độc. Nguyên nhân do tụ cầu vàng trong chả thịt lợn - thực phẩm của đoàn từ thiện.

Trường PTDTBT, Tiểu học Hương Sơn, xã Hương Sơn, huyện Quang Bình, ngày 3/3/2021, 33 người phải nhập viện sau bữa ăn tối nghi nhiễm vi sinh vật từ thức ăn.

Trường PTTH Nội trú tỉnh Hà Giang, ngày 30/6/2024, sau khi ăn bữa cơm tối tại bếp ăn bán trú, 18 người ngộ độc. Nguyên nhân được xác định do món bí đỏ xào, canh rau mùng tơi nhiễm E.Coli.

Trường PTTH Nội trú Trung học cơ sở và Trung học phổ thông huyện Xín Mần, ngày 15/9/2024, sau khi ăn liên hoan Tết trung thu tại lớp học, 29 trẻ đi viện. Nguyên nhân do trứng rán có Enterobacteriacea và nước trà chanh phát hiện Coliforms. Các vi khuẩn gây ngộ độc được xác định do không đảm bảo quy trình vận chuyển từ khu vực chế biến tới bàn ăn.

Thời gian qua, Chi cục An toàn Thực phẩm tỉnh Hà Giang đã phối hợp với các đơn vị giáo dục tăng cường tổ chức tuyên truyền, tập huấn về vấn đề ATTP ở nhà trường. Các cơ sở trường học phải có trách nhiệm bảo đảm ATTP trong trường học, không để xảy ra ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm.

Theo quy định, nhà trường phải đầu tư điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị đầy đủ, hợp lý; chỉ đạo bộ phận bếp và cán bộ y tế có trách nhiệm thực hiện nghiêm túc các quy định. Cán bộ nhà trường và học sinh cùng tham gia thực hiện các quy định và có hoạt động tuyên truyền về ATTP.

An toan thuc pham 2.png
Bác sĩ điều trị bệnh nhân một vụ ngộ độc tại Hà Giang. 

Tất cả cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh phải xây dựng, thực hiện kế hoạch phòng ngừa, khắc phục ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm trong trường học.

Đồng thời, tổ chức hoạt động ngoại khóa hoặc lồng ghép nội dung ATTP vào các buổi ngoại khóa của trường. Qua đó, giáo viên và học sinh có cơ hội tìm hiểu kiến thức - thực hành đúng nhằm đảm bảo điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm trong nhà trường, cách xử trí khi xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm.

Phối hợp với chính quyền địa phương trong kiểm soát các cửa hàng, hàng rong không đủ điều kiện vệ sinh ở xung quanh khu vực trường học. Cấm các loại hàng rong, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm quanh khu vực trường học, nhắc nhở phụ huynh không mua, không cho học sinh tiền mua quà.

Ngành giáo dục phải đưa nội dung ATTP vào chương trình giáo dục các cấp học để cung cấp kiến thức, thực hành về ATTP cho cán bộ nhà trường và học sinh. Xây dựng các mô hình điểm trong trường học, các lớp học mẫu về đảm bảo ATTP. Chủ động giám sát và kiểm tra công tác đảm bảo ATTP trong phạm vi nhà trường.

Ngoài ra, ban đại diện hội phụ huynh học sinh thường xuyên phối hợp với nhà trường trong các hoạt động liên quan đến quản lý ATTP, có thể tham gia vào giám sát hoạt động đảm bảo chất lượng ATTP của bếp ăn bán trú, chất lượng bữa ăn của học sinh.

Giao trách nhiệm quản lý

Từ năm 2021, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang đã có quyết định phân cấp quản lý nhà nước về ATTP thuộc trách nhiệm của ngành y tế.

Chi Cục An toàn thực phẩm tỉnh Hà Giang sẽ quản lý và ký cam kết trách nhiệm với các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, có bếp ăn tập thể (đối với bếp ăn trường chính, trừ các bếp ăn tại các điểm trường) phục vụ trên 200 suất ăn/lần/ngày.

Trung tâm Y tế huyện, thành phố quản lý các bếp ăn tập thể trường học. Đơn vị phải quản lý và ký cam kết trách nhiệm với trường học có bếp ăn tập thể đối với bếp ăn tại trường chính phục vụ dưới 200 suất ăn/lần/ngày và các bếp ăn tại các điểm trường trên địa bàn.

Các đơn vị có trách nhiệm tăng cường hoạt động kiểm tra, hậu kiểm, giám sát mối nguy kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm về an toàn thực phẩm, hạn chế tối đa ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm.