Quy mô sản xuất nhỏ lẻ, thiếu tính cạnh tranh

Là một trong những tỉnh thuộc đồng bằng sông Hồng, Hà Nam có lợi thế phát triển nông nghiệp và các làng nghề. Tuy nhiên, do đặc thù sản xuất cộng với chưa nhận thức được thế mạnh của mô hình kinh tế hợp tác xã, do đó việc kết nối sản xuất, tiêu thụ sản phẩm của các hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Hà Nam còn gặp nhiều khó khăn.

Ông Đỗ Xuân Trường, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Hà Nam phân tích: Thời gian qua, hoạt động xúc tiến thương mại, liên kết vùng giữa Hà Nam với các tỉnh, thành phố đã được triển khai tích cực. Nhiều sản phẩm có thế mạnh của Hà Nam, nhất là các đặc sản của địa phương, vùng miền (cá kho Vũ Đại, chuối ngự Đại Hoàng – Lý Nhân; rượu Voọc – Bình Lục…) đã được quảng bá rộng rãi, từng bước thâm nhập vào các kênh phân phối hiện đại và được người tiêu dùng ưa chuộng, tín nhiệm. 

32 ha nam xuc tien.jpg
Hội nghị xúc tiến thương mại, kết nối sản xuất, tiêu thụ sản phẩm các hợp tác xã năm 2023 tại Hà Nam. 

Bên cạnh các sản phẩm dược liệu, nông sản hữu cơ, đặc sản vùng miền tham gia danh hiệu OCCOP; thì những sản phẩm có tính thời vụ cơ bản đã khắc phục được tình trạng “được mùa thì mất giá, mất mùa thì được giá”. Đơn cử, Hợp tác xã Sống để yêu thương (xã Thanh Sơn, huyện Kim Bảng) - thành lập năm 2020 với ngành nghề sản xuất, kinh doanh chính là trồng, chế biến, thu hái dược liệu; xoa bóp, bấm huyệt, phục hồi chức năng. 

Hợp tác xã Hoàng Trà (phường Phù Vân, TP Phủ Lý) chuyên trồng sen nguyên liệu và chế biến các sản phẩm về sen (trà sen, mứt sen, hạt sen sấy…) tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động, với mức thu nhập từ 6 - 7 triệu đồng/người/tháng. Tuy nhiên, quy mô sản xuất nhỏ, sản phẩm tiểu thủ công nghiệp, nông sản của Hà Nam còn hạn chế nên khó đáp ứng các đơn hàng lớn. Theo ông Trường, các hộ, hợp tác xã sản xuất nông sản vẫn chủ yếu canh tác theo tập quán truyền thống, nhiều loại nông sản chưa đáp ứng được các yêu cầu về thủ tục giấy tờ đăng ký, kiểm định chất lượng, phương thức thanh toán, mẫu mã bao bì sản phẩm, thu gom, bảo quản, vận chuyển…

Hà Nam phấn đấu cải thiện kinh tế hợp tác xã

Theo báo cáo của Liên minh Hợp tác xã tỉnh Hà Nam, tỉnh Hà Nam hiện có 305 hợp tác xã và quỹ tín dụng nhân dân (329 hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, 55 hợp tác xã phi nông nghiệp, 3 hợp tác xã blĩnh vực khác và 12 quỹ tín dụng) đang hoạt động, thu hút trên 178.000 thành viên tham gia. Ngoài chức năng cung cấp và tiêu thụ các sản phẩm, dịch vụ cho thành viên, hợp tác xã có vai trò quan trọng gắn kết các thành viên hợp tác xã thành cộng đồng chặt chẽ về mọi mặt, tạo sự ổn định xã hội. Tuy nhiên, hoạt động của kinh tế tập thể, hợp tác xã tại Hà Nam đang gặp phải một số khó khăn, vướng mắc.

5 khó khăn lớn có thể kể ra như: Nguồn vốn hỗ trợ phát triển còn ít hơn so với nhu cầu; Chưa bố trí đủ cán bộ chuyên trách quản lý nhà nước về kinh tế tập thể, hợp tác xã cấp xã; Nhận thức của một bộ phận cán bộ, người dân chưa nhận thức đúng về vị trí, tầm quan trọng của kinh tế tập thể đối với sự phát triển kinh tế - xã hội nên chưa tích cực tham gia, xây dựng hợp tác xã; Chưa thành lập được các chuỗi giá trị, các hợp tác xã chế biến, sản xuất nông sản sạch; Khâu tư vấn, hỗ trợ hợp tác xã đăng ký nhãn hiệu/ thương hiệu sản phẩm nói chung, OCOP nói riêng vẫn còn hạn chế.

Để khắc phục những tồn tại trên, ông Đỗ Xuân Trường cho rằng, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Riêng Liên minh Hợp tác xã tỉnh Hà Nam - với vai trò là cơ quan đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho các thành viên hợp tác xã, đơn vị sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển mô hình hợp tác xã; tuyên truyền để cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu đúng, hiểu đủ về bản chất, vai trò của kinh tế tập thể, hợp tác xã trong giai đoạn hiện nay. Về các nguồn lực hỗ trợ sản xuất và kênh phân phối tiêu thụ sản phẩm, ông Trường cho rằng chế biến, sản xuất nông sản sạch; tham gia chuỗi giá trị và tập trung giới thiệu sản phẩm, quảng bá thương hiệu… sẽ là hướng đi cho các hợp tác xã.

Cùng quan điểm, bà Lê Thị Thanh Hà - Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hà Nam cho rằng, công tác tuyên truyền sẽ được địa phương đẩy mạnh, song song với các chính sách hỗ trợ (vốn, nguồn lực, chính sách…), để các hợp tác xã phát triển ngày càng lớn mạnh. Trong đó, Liên minh Hợp tác xã tỉnh Hà Nam với vai trò nòng cốt phải tiếp lục làm tốt công tác tham mưu với Tỉnh ủy, UBND tỉnh về triển khai các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã làm sao để các đơn vị này phát triển tương ứng với tiềm năng của tỉnh...

Nam Phương