Báo cáo công tác chuyển đổi số 6 tháng đầu năm 2023 TP Hà Nội, ông Nguyễn Việt Hùng, Giám đốc Sở TT&TT cho biết, để hỗ trợ tối đa và khuyến khích người dân, doanh nghiệp thực hiện dịch vụ công trực tuyến, TP đã ban hành Nghị quyết 07, quy định về mức phí, lệ phí khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến.

Theo Nghị quyết 07, TP Hà Nội thu mức phí bằng “0” đồng, áp dụng cho các tổ chức, cá nhân thực hiện nộp hồ sơ thực hiện các dịch vụ công theo hình thức trực tuyến. Thời gian thực hiện nghị quyết này đến hết ngày 31/12/2025.

“Như vậy, Hà Nội hiện là địa phương đầu tiên trong cả nước quy định mức thu này. Số tiền dự kiến ngân sách thành phố không thu khi thực hiện nội dung này khoảng 37 tỷ”, ông Nguyễn Việt Hùng nói.

Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội Nguyễn Việt Hùng. (Ảnh: Quang Phong)

Trong những tháng đầu năm 2023, TP Hà Nội tiếp tục duy trì, nâng cấp, bổ sung, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, trang thiết bị tại các cơ quan nhà nước thành phố nhằm phục vụ kịp thời các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin và người dân, doanh nghiệp tại bộ phận “một cửa”.

Ngoài ra, TP Hà Nội đang rà soát một số huyện (Ứng Hòa, Mỹ Đức, Chương Mỹ, Ba Vì) khó khăn về nguồn lực để hỗ trợ bổ sung, nâng cấp hạ tầng mạng nội bộ, trang thiết bị công nghệ thông tin tại trụ sở UBND và bộ phận “một cửa” để phục vụ công tác cải cách hành chính và triển khai đề án 06 của Chính phủ.

Khái quát chung về kết quả đạt được trong quá trình chuyển đổi số trên địa bàn Thủ đô, Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội Nguyễn Việt Hùng nhấn mạnh: “Một số quận, huyện đã nhận thức vai trò của chuyển đổi số và chủ động trong việc đề xuất, triển khai các nhiệm vụ về chuyển đổi số”.

Theo Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội, khối lượng công việc về chuyển đổi số lớn, tuy nhiên, nguồn nhân lực công nghệ thông tin của đơn vị chuyên trách về công nghệ thông tin tại các sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, thị xã còn thiếu. 

Đặc biệt tại các xã của TP Hà Nội chưa có cán bộ chuyên trách về công nghệ thông tin đã ảnh hưởng lớn tới tiến độ, chất lượng công tác tham mưu triển khai nhiệm vụ.

“Có hiện tượng cán bộ công nghệ thông tin xin nghỉ việc hoặc chuyển công tác dẫn đến thiếu hụt nghiêm trọng lực lượng công chức làm công nghệ thông tin tại các cơ quan nhà nước thành phố”, ông Hùng chia sẻ.

Ngoài ra, Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội cho biết, hiện tại hầu hết các đơn vị của thành phố chưa có cán bộ chuyên trách về an toàn thông tin, chưa có quy định vị trí việc làm về an toàn thông tin.

Trước những bất cập nêu trên, Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội đề xuất UBND TP kiến nghị Bộ TT&TT xây dựng cơ chế khuyến khích, đãi ngộ đối với cán bộ chuyên trách chuyển đổi số, công nghệ thông tin, an toàn thông tin để áp dụng thống nhất trên toàn quốc.

Theo ông Nguyễn Việt Hùng, với cơ chế đãi ngộ tốt hơn nhằm đảm bảo cho cán bộ yên tâm công tác, duy trì nguồn nhân lực công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước.

Bên cạnh đó, lãnh đạo Sở TT&TT Hà Nội còn đề nghị các cơ quan chuyên môn của thành phố cần nhận thức rõ về trách nhiệm chủ trì và sự chủ động trong công tác tham mưu triển khai chuyển đổi số trong lĩnh vực đơn vị quản lý.

Các quận, huyện, thị xã tập trung hoàn thành nhiệm vụ được giao, trong đó cần bảo đảm hạ tầng phục vụ hoạt động nội bộ, người dân, doanh nghiệp theo quy định và hướng dẫn; Số hóa dữ liệu (hộ tịch, kết quả giải quyết thủ tục hành chính) theo lộ trình và hướng dẫn của các ngành.

Thay đổi phương pháp tiếp cận về chuyển đổi số

Phát biểu tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2023 về cải cách hành chính, chuyển đổi số, theo ông Trần Sỹ Thanh - Chủ tịch UBND TP Hà Nội, lãnh đạo, người đứng đầu các đơn vị, địa phương cần thay đổi phương pháp tiếp cận về chuyển đổi số.

Người đứng đầu chính quyền TP cho rằng, khi nào cán bộ, công chức còn tư tưởng ‘khoán trắng’ cho cán bộ tin học thì lúc đó chuyển đổi số còn thất bại. Muốn việc này thành công, theo ông Thanh, cán bộ phải nhận thức chuyển đổi số là yếu tố "sống còn" và phải đổi mới trong từng lĩnh vực.