Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, Sở này vừa chỉ đạo cấp 14 mã số vùng trồng cây ăn quả cho các hợp tác xã (HTX) sản xuất nông nghiệp chuyên canh về cây ăn quả trên địa bàn thành phố.

Theo ông Nguyễn Ngọc Sơn, tầm quan trọng và những lợi ích của mã số vùng trồng mang lại cho người sản xuất và người tiêu dùng đã được chứng minh trong bối cảnh các yêu cầu về vệ sinh an toàn toàn thực phẩm ngày càng cao, Do đó, từ năm 2020 đến nay ngành nông nghiệp Hà Nội đã tích cực hướng dẫn, hỗ trợ nông dân, hộ sản xuất, các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thực hiện các tiêu chuẩn về điều kiện canh tác để được cấp mã số vùng trồng.

297811822 394648509404014 2110187365466136034 n.jpg
Hà Nội cấp 14 mã số vùng trồng cây ăn quả cho các HTX.

Theo đó, với vai trò cấp phép và giám sát trực tiếp, Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội (thuộc Sở NN&PTNT Hà Nội), đã tiến hành khảo sát và điều tra các HTX muốn cấp mã số, sau đó căn cứ vào các tiêu chuẩn để ra quyết định cấp hay thu hồi. Cụ thể, để được cấp mã số vùng trồng, quá trình sản xuất các sản phẩm cây trồng cần bảo đảm các yêu cầu như bảo đảm có quy trình kiểm soát được sinh vật gây hại ở mức độ thấp và được cấp phép sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo quy định của nước nhập khẩu.

Ngoài ra, vùng trồng phải là chuyên canh cây ăn quả riêng biệt, được kiểm tra và cấp mã số lần đầu trước thời điểm thu hoạch. Những vùng trồng được cấp mã số phải áp dụng biện pháp canh tác, quản lý sinh vật gây hại và bảo đảm giảm thiểu sinh vật gây hại, áp dụng tiêu chuẩn VietGAP. Có sổ nhật ký đồng ruộng, ghi chép đầy đủ mọi tác động lên cây trồng trong một vụ sản xuất. Tính đến tháng 11/2023, toàn thành phố Hà Nội mới cấp phép và duy trì 14 mã số vùng trồng cây ăn quả với diện tích trên 300 ha.

Cũng theo ông Nguyễn Ngọc Sơn, trong 14 mã số này, có 8 mã số cấp cho vùng trồng chuối và 3 mã số cấp cho vùng trồng nhãn, 3 mã số cấp cho vùng trồng bưởi diễn phục vụ cho xuất khẩu. “Việc xây dựng mã số vùng trồng không chỉ giúp nâng cao giá trị của nhiều loại cây trồng, tạo điều kiện thuận lợi khi tiêu thụ trên thị trường trong nước và xuất khẩu, mà còn có tác động, thay đổi nhận thức, tập quán canh tác của người dân, chuyển hướng sang sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, hướng đến nền sản xuất nông nghiệp chuyên nghiệp và bền vững hơn”, ông Sơn nhấn mạnh.

Hồng Nhung và nhóm PV, BTV