Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung vừa ký ban hành chỉ thị 07 về thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 trong tình hình mới.

Sau thời gian thực hiện cách ly toàn xã hội theo chỉ thị số 16 của Thủ tướng, Hà Nội đã kiểm soát và kiềm chế tốt dịch bệnh. Tuy nhiên, dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, nguy cơ lây lan còn cao. Chủ tịch UBND TP yêu cầu các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã tiếp tục nâng cao nhận thức và hành động, quán triệt sâu sắc quan điểm “chống dịch như chống giặc”.

Kiên định thực hiện các nguyên tắc: ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch đồng thời với việc làm tốt công tác điều trị, hạn chế thấp nhất người tử vong, phương châm “4 tại chỗ”, tuyệt đối không lơ là, chủ quan, nới lỏng nhưng không lơi lỏng.

Dần nới lỏng các biện pháp hạn chế, từng bước khôi phục các hoạt động KTXH trên cơ sở bảo đảm kiểm soát tốt dịch bệnh.

Tiếp tục tạm dừng các dịch vụ không thiết yếu

Về các biện pháp, Chủ tịch Hà Nội yêu cầu người dân thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn, đeo khẩu trang khi ra ngoài, giữ khoảng cách an toàn khi tiếp xúc, không tập trung đông người tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện.

{keywords}
 

Tiếp tục dừng các hoạt động lễ hội, tôn giáo, thể thao, sự kiện chưa cần thiết. Thực hiện việc hiếu, hỷ văn minh, hạn chế tối đa tập trung đông người.

Tiếp tục tạm đình chỉ hoạt động các cơ sở kinh doanh dịch vụ không thiết yếu: khu vui chơi, giải trí, cơ sở làm đẹp (trừ hiệu cắt tóc), karaoke, mát xa, quán bar, vũ trường, trò chơi điện tử, internet, nhà hát, rạp chiếu phim.

Các cơ sở kinh doanh dịch vụ khác được hoạt động trở lại nhưng phải thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn phòng, chống dịch.

Đối với hoạt động kinh doanh ăn uống, cà phê giải khát - là nơi có nguy cơ lây nhiễm trực tiếp, cần thực hiện giãn cách tối thiểu 2m giữa người với người hoặc giữ khoảng cách tối thiểu 1m và có tấm chắn giữa các vị trí ngồi, không sử dụng đồ chung, khuyến khích bán hàng mang về nhà.

Nhà máy, cơ sở sản xuất, công trường xây dựng tiếp tục hoạt động và phải thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch cho công nhân, người lao động.

Vận chuyển hành khách công cộng liên tỉnh, nội tỉnh được hoạt động trở lại nhưng phải thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn phòng, chống dịch theo hướng dẫn của Bộ GTVT, Bộ Y tế.

Giảm, giãn số học sinh trong phòng học, bố trí lệch giờ học, ăn trưa, sinh hoạt tập thể bảo đảm không tập trung đông người. khử trùng, vệ sinh lớp học. Kết hợp học trực tuyến, thực hiện các biện pháp phòng bệnh cho học sinh. Phương án cụ thể theo hướng dẫn của ngành GD&ĐT và ngành Y tế.

Người đứng đầu cơ quan, đơn vị, tổ chức, cơ sở chịu trách nhiệm xây dựng phương án làm việc cho cơ quan, đơn vị một cách phù hợp bảo đảm an toàn cho cán bộ, nhân viên, không tổ chức các cuộc họp, hội nghị đông người chưa cần thiết, không để đình trệ công việc, nhất là các công việc có thời hạn, thời hiệu theo quy định của pháp luật, các dịch vụ công phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Khuyến khích họp trực tuyến và làm việc qua ứng dụng CNTT. Đối với sự kiện phục vụ mục đích chính trị, kinh tế xã hội thực sự cần thiết phải do cấp uỷ, chính quyền địa phương quyết định và thực hiện các biện pháp phòng chống lây nhiễm.

Các cửa hàng kinh doanh, dịch vụ, trung tâm thương mại, siêu thị tại các quận nội thành, thị trấn, khu đô thị mới (trừ các cửa hàng kinh doanh ăn uống, thuốc chữa bệnh, xăng dầu, kinh doanh các mặt hàng lương thực, thực phẩm, hoa quả trong các chợ) chỉ được mở cửa sau 9 giờ sáng hàng ngày để hạn chế tiếp xúc, giảm mật độ giao thông tại các khu vực đô thị.

Cấm toàn bộ hành vi lấn chiếm lấn lòng đường, vỉa hè để kinh doanh, bán hàng dưới bất kỳ hình thức nào.

Xử lý đối tượng vi phạm các chỉ thị chống dịch

Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về phòng, chống dịch bệnh và phát triển KTXH, tăng cường thanh tra, kiểm tra xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân thiếu trách nhiệm hoặc có hành vi tuyên truyền, phát tán các thông tin sai sự thật, cố tình không chấp hành quy định về phòng, chống dịch, kể cả xử lý hình sự theo quy định.

{keywords}
 

Hà Nội nằm trong nhóm có nguy cơ, trong đó có 2 huyện Mê Linh và Thường Tín là địa bàn có nguy cơ cao. Vì vậy 2 huyện này cần tiếp tục thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo chỉ thị 16 của Thủ tướng, UBND TP.

Đối với các quận, huyện khác, khuyến cáo người dân không ra khỏi nhà nếu không cần thiết và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Không tập trung quá 20 người tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; giữ khoảng cách tối thiểu 1m khi tiếp xúc. 

Chủ tịch TP giao Sở Y tế kịp thời phát hiện, cách ly, khoanh vùng, xử lý triệt để các ổ dịch; ứng dụng công nghệ thông tin để tìm kiếm, xác định các trường hợp có nguy cơ lây nhiễm.

Tổ chức phân luồng, phân tuyến điều trị hợp lý ngay từ khâu tiếp đón bệnh nhân, phòng ngừa lây nhiễm tại các cơ sở y tế, bảo đảm an toàn đối với cán bộ y tế, người tham gia phòng, chống dịch, người cao tuổi, người có bệnh lý nền, các đối tượng yếu thế. Một bệnh nhân nặng chỉ cho phép 1 người chăm sóc, không thăm bệnh nhân tại các bệnh viện trên địa bàn.

Sở GTVT chỉ đạo, kiểm tra xe buýt khi hoạt động, đảm bảo bắt buộc đeo khẩu trang đối với toàn bộ người trên xe, thực hiện khử khuẩn, vệ sinh sạch sẽ phương tiện trước và sau khi hoạt động theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Thực hiện công tác vận chuyển hàng hóa, vận chuyển hành khách liên tỉnh theo chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ GTVT.

Công an TP tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm đảm bảo thực hiện nghiêm túc các yêu cầu phòng chống dịch bệnh theo chỉ thị của Thủ tướng và chỉ thị của Chủ tịch UBND TP.

Trần Thường

Không có ca nhiễm mới, Hà Nội xin xuống nhóm nguy cơ thấp

Không có ca nhiễm mới, Hà Nội xin xuống nhóm nguy cơ thấp

Lãnh đạo Hà Nội đề nghị, thời điểm kết thúc phong tỏa các ổ dịch không có ca nhiễm mới, cho TP xuống nhóm nguy cơ thấp.