Mới đây lãnh đạo UBND TP Hà Nội giao Sở GTVT phối hợp với Công an TP lập các đề án, dự án xây dựng và tổ chức giao thông được nhân dân quan tâm. Về nội dung cụ thể các đề án, dự án này, theo đề xuất của tác giả bài viết cần bổ sung 3 việc cần và cắt 1 việc không cần liên quan đến giao thông trong nội thành.

3 việc cần bổ sung

Thứ nhất, do lòng đường phố không đủ bề rộng để tách riêng 1 làn đường cho xe ô tô buýt nhanh (BRT), căn cứ tốc độ v max (tốc độ lớn nhất) cho phép các loại phương tiện giao thông trong thành phố, cần sớm cho ô tô con được chạy vào làn đường BRT.

Làn đường BRT (Hà Nội) thường xuyên trống vắng, cần sớm cho xe con được
chạy vào 

Thứ hai, khảo sát thực tế hiện trường các giao lộ không gian - khác mức bán hoàn chỉnh, “nửa vời” như ngã tư: Nguyễn Trãi - Khuất Duy Tiến (nút giao thông Thanh Xuân), Cầu Giấy - Láng (nút giao thông Cầu Giấy), Hoàng Quốc Việt - Nguyễn Văn Huyên, Cổ Linh - Đàm Quang Trung… để lập dự án đầu tư xây dựng bổ sung thành các giao lộ không gian hoàn chỉnh. Đồng thời, cho các phương tiện được lưu thông liên tục ở tất cả các chiều đường (đi thẳng, rẽ trái, rẽ phải), mà không phải dừng xe - khi đèn đỏ ở 1 số ngả đường ngã tư nêu trên như hiện nay. Điều này đồng nghĩa với việc tháo dỡ các đèn tín hiệu giao thông, tại những giao lộ không gian hoàn chỉnh.

Sẽ có người chủ quan cho là viển vông… vì làm gì có đủ diện tích đất để xây dựng những nút giao thông không gian hoàn chỉnh trong nội thành Hà Nội. Song nếu có xuống thực tế khảo sát tại 2 nút giao thông phía bờ Bắc và phía bờ Nam cầu Chương Dương (Hà Nội), xem bán kính các đường cong bao nhiêu mét… sẽ có câu trả lời.

Thứ ba, vỉa hè các đường phố vừa để cho người đi bộ, vừa để bảo đảm tốc độ xe chạy (trong đường phố), vừa để bảo đảm an toàn giao thông. Vì vậy, tiếp tục giao và cần quy trách nhiệm cho Chủ tịch UBND phường sở tại, tổ chức vỉa hè phải dành ra tối thiểu rộng 1m thông thoáng (tính từ mép vỉa hè tiếp giáp lòng đường trở vào) cho người đi bộ. Làm điều này để triệt tiêu định kiến: “Ở Hà Nội, mang tiếng văn minh, mà có vỉa hè cho người đi bộ là xa xỉ”…

Một việc không cần

Việc người nhân dân không cần là năm 2030, không cần cấm xe máy lưu thông trong các đường phố nội thành. Bởi vì đến năm 2030, gần như nhà nhà có xe ô tô, người người có xe ô tô. Nhưng trong nhiều nhà sẽ vẫn còn có xe máy và xe đạp. Tùy theo lộ trình, mục đích chuyến đi… mà họ dùng xe ô tô cá nhân, xe máy, xe đạp, hay phương tiện giao thông công cộng.

Giao lộ không gian bán hoàn chỉnh: Yên Phụ-Thanh Niên (Hà Nội)

Đặc biệt, theo xu thế tất yếu khách quan, xe máy chắc chắn sẽ tự đào thải dần, mật độ ra đường sẽ ít như mật độ xe đạp hiện nay. Chứ không “vớ chân voi đã tưởng cột đình” - chỉ máy móc theo số lượng “cơ học” 6,4 triệu xe máy/7,6 triệu phương tiện giao thông ở Hà Nội (cuối năm 2022) mà võ đoán, lo sợ mật độ xe máy sẽ làm tắc đường (nội thành Hà Nội), để rồi 2030 sẽ cấm lưu thông là không cần thiết.

Bạn có đồng quan điểm với đề xuất của tác giả Nguyễn Thành Lập, hoặc có ý kiến khác xin gửi về banthoisu@vietnamnet.vn. Ý kiến phù hợp sẽ đăng tải. Trân trọng!

Nguyễn Thành Lập (Hà Nội)