Các chuyên gia giao thông lo ngại, việc TP. Hà Nội cấm xe máy vào năm 2025 trong điều kiện vận tải công cộng chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại sẽ “khuyến khích” người dân chuyển sang ô tô cá nhân.
 
Ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cho biết, chủ trương cấm xe máy vào nội đô, Hà Nội đã có từ lâu nhưng các nhà khoa học, các chuyên gia, người dân không đồng tình.
 
Trước đây dự kiến 2030 mới thực hiện, giờ lại lùi thời gian xuống năm 2025.
 
Về cảm nhận, ông Liên cho rằng quyết tâm và ý chí của Hà Nội trong việc cấm xe máy là rất tốt,  phù hợp với xu hướng phát triển của các đô thị văn minh, hiện đại. Tuy nhiên, với tình hình giao thông Hà Nội hiện nay, đến 2025 chưa đủ điều kiện để thực hiện. 

{keywords}
Hà Nội dự kiến cấm xe máy vào nội đô từ năm 2025. 

Theo ông Liên, để thực hiện được chủ trương này, Hà Nội phải trả lời được câu hỏi như lâu nay họ vẫn đặt ra: Cấm xe máy người dân đi lại bằng phương tiện gì? Câu hỏi không mới này vẫn đặt ra nhiều vấn đề đòi hỏi TP phải có câu trả lời thỏa đáng. Cụ thể: 

Thứ nhất, để cấm được xe máy trước tiên vận tải hành khách công cộng phải đảm bảo đáp ứng được 60% nhu cầu đi lại của người dân trong nội đô. Tuy nhiên, hiện nay Hà Nội vẫn chỉ trông chờ vào xe buýt là chủ yếu, nhưng xe buýt lại chưa phát huy được năng lực khi mới chỉ đáp ứng chưa tới 20% nhu cầu đi lại của người dân. 
 
Thứ hai, với diện tích đất chật hẹp trong nội đô, không có giao thông ngầm, xe buýt rất khó phát huy hết năng lực. Do vậy, cấm xe máy, tăng cường xe buýt người dân chuyển sang đi ô tô thì xe buýt “không có cửa” để phát huy được năng lực,  trái lại nguy cơ tắc đường còn cao hơn.
 
“Xe buýt Hà Nội trước đây chạy với tốc độ 28km/h, hiện nay chỉ còn 17km/h.  Điều đó khiến đường càng tắc, tốc độ xe chạy giảm, người dân không mặn mà với xe buýt”, ông Liên nói.
 
Ngoài xe buýt, đường sắt đô thị được xem là loại hình vận tải công cộng văn minh, góp phần quan trọng giảm ùn tắc.  Hiện nay, Hà Nội chỉ có mỗi tuyến Cát  Linh – Hà Đông đưa vào khai thác, đến năm 2025 may ra có thêm tuyến Nhổn – ga Hà Nội, trong khi các tuyến còn lại hiện nay chưa được triển khai. Do vậy, nếu chỉ trông chờ vào xe buýt và 2 tuyến đường sắt đô thị Hà Nội đưa ra lộ trình cấm xe máy vào năm 2025 là quá sớm, thiếu tính khả thi.
 
Chuyên gia giao thông, TS. Phan Lê Bình cho rằng, trong đề án Hà Nội không đề cập đến những phương tiện để thay thế xe máy. Hiện Hà Nội chỉ có mạng lưới xe buýt và một phần nhỏ đường sắt nội đô. Việc hạn chế xe máy chỉ có thể thực hiện trên các trục có đường sắt đô thị. Còn những khu vực khác cần cân nhắc. Bởi nếu không đánh giá kỹ, cấm xe máy sẽ khiến người dân chuyển sang phương tiện ô tô cá nhân.
 
“Không phải ai cũng có điều kiện để sử dụng ô tô cá nhân nên việc cấm xe máy có thể là cú hích khiến người dân buộc phải chuyển sang sử dụng ô tô cá nhân vào nội đô. Nếu vậy, việc giải quyết ùn tắc chưa chắc đã thực hiện được”, TS. Phan Lê Bình cho biết.
 
Chỉ nên hạn chế xe máy
 
Theo chuyên gia giao thông, TS.Nguyễn Xuân Thuỷ, hiện nay giao thông công cộng Hà Nội yếu kém, có tới 80-90% người dân đi phương tiện cá nhân, trong số này có  tới 70% người đi xe máy. Vì vậy, cấm xe máy người dân sẽ rất khó khăn trong vấn đề đi lại, mưu sinh, trong khi đại đa số người đi xe máy là người khó khăn. 
 
Thực tế, hạ tầng giao thông thủ đô cũng yếu kém, mặt cắt ngang đường từ 7-12 m chiếm đến 50-60% thì rõ ràng xe máy đi lại thuận tiện, không gây ùn tắc so với ô tô.  
 
Ông Thuỷ cho rằng, nếu cấm xe máy, ô tô cá nhân sẽ tăng lên, với 200- 300 triệu đồng là có thể mua được ô tô sẽ có tới 30% người đi xe máy có thể bỏ tiền mua ô tô để đi. Trong khi 1 chiếc xe ô tô chiếm dụng mặt đường gấp  5-7 lần xe máy, gây ô nhiễm gấp 3-5 lần. Do vậy, cấm xe máy ô tô sẽ tăng lên thì ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi  trường sẽ khốc liệt hơn hiện nay rất nhiều.
 
Ông Thuỷ cho rằng, không nên cấm xe máy mà chỉ nên hạn chế khi giao thông công cộng thuận tiện, lúc đó người dân sẽ tức khắc bỏ xe máy đi vận tải công cộng. Ngay như tuyến Cát Linh – Hà Đông khi đưa vào khai thác nhiều người dân thấy tiện đã bỏ xe máy, bỏ ô tô cá nhân để đi tàu điện. Do vậy, nên sử dụng biện pháp cạnh tranh để hút người dân đi xe cá nhân chứ không nên sử dụng biện pháp áp đặt đưa ra quy định cấm xe máy.
 
“Hà Nội đặt ra thời điểm cấm xe máy vào năm 2025, vậy chỉ còn 4 năm nữa TP có bao nhiêu tuyến tàu điện, và đạt được bao nhiêu phần trăm người dân đi vận tải công cộng? Ít ra, phải 40% người dân đi vận tải công cộng thì Hà Nội mới nên nghĩ tới việc hạn chế phương tiện cá nhân, trong khi hiện nay chưa đạt 20% thì chưa nên hạn chế”, ông Thuỷ nói.
 
Ông Thuỷ cho biết, ở các nước, khi vận tải công cộng đạt 50-60% nhu cầu đi lại của người dân họ mới hạn chế xe máy và xe ô tô chứ không cấm. Chỉ có một vài nước, khu vực cấm xe  máy như Bắc Kinh (Trung Quốc), Myanmar. Nhưng khi cấm, người dân rất khổ sở trong vấn đề đi lại. Hà Nội cần nghiên cứu kỹ bài học từ các nước dựa theo tình hình thực tế giao thông Thủ đô để có giải pháp phù hợp.
 

Hà Nội nghiên cứu sau 2025 cấm xe máy từ Vành đai 3 vào nội đô

Hà Nội nghiên cứu sau 2025 cấm xe máy từ Vành đai 3 vào nội đô

Hà Nội đang nghiên cứu theo hướng sau năm 2025 sẽ dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận trong phạm vi từ đường Vành đai 3 và đường Trường Sa, Hoàng Sa, Quốc lộ 5 trở vào trung tâm TP.


Gia Văn