Sáng 28/7, Báo Tiền Phong phối hợp với Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường – Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức tọa đàm “Quản lý Chất lượng không khí: Công cụ tổng thể kiểm soát giảm thiểu ô nhiễm”.
Phát biểu tại tọa đàm, nhà báo Phùng Công Sưởng - Phó Tổng biên tập Báo Tiền Phong nhận định, chúng ta đều đang sống ở các thành phố lớn, nơi mà mỗi mùa đông, chúng ta đều cảm nhận rõ rệt bầu không khí ô nhiễm. Hình ảnh bầu trời mù mịt, khói bụi bao phủ đã trở nên quen thuộc ở Hà Nội và nhiều thành phố lớn những năm qua.
Theo ông Sưởng, hàng loạt nghiên cứu trên thế giới và trong nước đã chỉ ra tác hại nghiêm trọng của ô nhiễm không khí đến sức khỏe con người.
Báo cáo môi trường quốc gia về môi trường không khí cho thấy, ô nhiễm không khí tại Hà Nội cũng như các tỉnh miền Bắc chủ yếu là ô nhiễm bụi PM2.5 - loại bụi được coi là "tử thần" trong không khí khi có thể đi sâu vào phổi, gây ra nhiều bệnh về hô hấp, tim mạch, đặc biệt là với đối tượng nhạy cảm như người già, trẻ em.
Nghiên cứu do Quỹ Melinda and Bill Gate tài trợ cho thấy, tỷ lệ tử vong ở Việt Nam năm 2018 do ô nhiễm môi trường là 71.000 người, trong đó 50.000 người chết do ô nhiễm không khí.
Ô nhiễm không khí cũng gây ra thiệt hại lớn về kinh tế. Theo báo cáo môi trường quốc gia, thiệt hại kinh tế do ô nhiễm không khí ảnh hưởng đến sức khỏe con người bao gồm các khoản chi phí như tiền khám và thuốc chữa bệnh, mất ngày công lao động do nghỉ ốm, tổn thất thời gian của người nhà chăm sóc người ốm.
Bà Lưu Thị Thanh Chi, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã nêu những khó khăn, thách thức và thuận lợi khi Hà Nội xây dựng kế hoạch quản lý chất lượng không khí.
Trong năm 2023, Sở Tài nguyên và Môi trường đã có đề xuất cụ thể để thành phố triển khai các đề án quản lý môi trường, hy vọng cuối năm được phê duyệt.
“Chúng tôi tham mưu nhiều chương trình, đề án về ô nhiễm không khí. Hà Nội là địa phương đi đầu trong cả nước trong lĩnh vực quản lý môi trường không khí và đưa ra giải pháp giảm thiểu ô nhiễm. Ngoài ra, đã thí điểm áp dụng giải pháp hệ thống quan trắc môi trường tự động, kết hợp với hệ thống quan trắc quốc gia để sớm phát hiện điểm nóng ô nhiễm", bà Chi cho hay.
Theo bà Chi, đến nay dự thảo quản lý ô nhiễm đã cơ bản xong và có cuộc hội thảo xin ý kiến sở, ban, ngành quản lý, nhà khoa học… Sau đó xin ý kiến các đơn vị liên quan, chỉnh sửa bổ sung và đánh giá thực trạng, có giải pháp ngắn hạn, dài hạn để có công cụ quản lý tốt nhất mang lại bầu không khí sạch cho Hà Nội.
Bà Chi cho biết, Hà Nội là nơi tập trung các nhà khoa học, chuyên gia hàng đầu về vấn đề môi trường. Do đó, đòi hỏi về chất xám là không thiếu. Tuy nhiên, Hà Nội vẫn tồn tại nhiều vấn đề, cần phải có quyết tâm chính trị rất lớn.
“Ô nhiễm không khí bắt nguồn từ thành phố chỉ chiếm phần ít. Phần lớn ô nhiễm đến từ các tỉnh ngoài, thậm chí xuyên biên giới. Một thuận lợi khác là Hà Nội tập trung bộ, ngành Trung ương, nhờ đó nhận được nhiều hỗ trợ về kinh tế, văn hoá - xã hội và cả môi trường.
Hiện tại, Hà Nội đang xây dựng Luật Thủ đô sửa đổi. Như vậy, đây địa phương duy nhất có luật riêng. Luật mang đến cho Hà Nội cơ hội áp dụng những chính sách đột phá nhất, nhận được những cơ chế đặc thù, giúp cải thiện Thủ đô trên mọi khía cạnh”, bà Chi thông tin.
Tại tọa đàm, bà Đỗ Vân Nguyệt, Giám đốc Trung tâm Sống và Học tập vì môi trường và cộng đồng cho biết, nhiều doanh nghiệp đã chủ động tham gia vào việc giảm thiểu ô nhiễm không khí, chủ động đến và bắt tay với các cơ quan nhà nước để phát động các chiến dịch giúp giảm thiểu tình trạng ô nhiễm.
Nhiều nước trên thế giới cũng đã ban hành những kế hoạch quản lý chất lượng không khí, chúng ta cần tìm ra bài học để truyền thông phù hợp với Việt Nam.
“Chúng ta đã nói rất nhiều về ô nhiễm nhưng chưa nói nhiều về giải pháp. Tại Hà Nội đã có nhiều biện pháp về giảm thiểu ô nhiễm, từ đó các địa phương cần noi theo và thông tin tới người dân”, bà Nguyệt cho hay.