UBND TP. Hà Nội vừa giao Sở Xây dựng phối hợp với Sở GTVT, Công an thành phố, UBND các quận, huyện lập đề án quản lý vỉa hè, lòng đường.

Cụ thể, UBND TP. Hà Nội giao Sở Xây dựng phối hợp sở ngành của thành phố tham mưu trình Ban Thường vụ Thành uỷ ban hành Chỉ thị về công tác kiểm tra, quản lý sử dụng hè phố, lòng đường.

Cùng với đó, các đơn vị nói trên tham mưu, xây dựng đề án quản lý vỉa hè, lòng đường. Nội dung đề án phải đảm bảo hài hoà giữa an ninh trật tự và phát triển kinh tế đô thị, gắn với đảm bảo quyền lợi sinh kế của nhân dân.

TP. Hà Nội đang cho phép một số quận nội thành cho thuê vỉa hè để bán cà phê, dịch vụ ăn uống. (Ảnh: Quang Phong)

TP. Hà Nội lưu ý, việc quản lý vỉa hè, lòng đường phải làm từng bước, theo phân khu, đánh giá tác động, tiến tới nhân rộng phạm vi thực hiện.

Đầu tháng 3/2023, TP. Hà Nội ra quân tổng kiểm tra, xử lý vi phạm an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng năm 2023. Trong đợt ra quân, hàng nghìn trường hợp buôn bán trên lòng đường bị xử phạt.

Tuy nhiên, giữa chiến dịch ra quân của lực lượng chức năng của TP. Hà Nội, vỉa hè nhiều tuyến phố ở các quận Đống Đa, Cầu Giấy, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm… vẫn bị lấn chiếm tràn lan để kinh doanh, buôn bán.

Tại hội nghị giao ban giữa Thường trực Thành ủy - HĐND - UBND với lãnh đạo các quận, huyện, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho rằng, từ việc thiếu quy hoạch dẫn đến thiếu công khai, minh bạch trong vấn đề quản lý trật tự vỉa hè, lòng đường.

Ông Đinh Tiến Dũng cho rằng, giải pháp cho vấn đề này là phải lập quy hoạch thiết kế đô thị để quản lý, sử dụng vỉa hè, lòng đường từng tuyến phố. Trong đó có tính tới đặc điểm của từng khu vực, từng địa bàn cụ thể như khu phố cổ, phố cũ và mới.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cũng yêu cầu đơn vị liên quan nghiên cứu áp dụng các mô hình quản lý của các nước phát triển như cho phép kinh doanh vỉa hè (có thể tính cả phương án cho thuê, thu phí theo giờ...), bố trí chỗ đỗ xe ở lòng đường tại những nơi phù hợp.