Theo Nghị quyết về các biện pháp tăng cường công tác PCCC và CNCH của HĐND TP Hà Nội, trên địa bàn Thủ đô hiện có khoảng 433 khu dân cư có nguy cơ cháy nổ cao, và 150.484 cơ sở thuộc diện quản lý Nhà nước về PCCC.
Chính vì vậy, thời gian qua, Hà Nội luôn xác định công tác PCCC và CNCH là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong thực hiện chiến lược phát triển KT-XH, gắn chặt với việc thực hiện chương trình của Thành ủy về tăng cường quốc phòng, an ninh, đảm bảo an ninh trật tự an toàn xã hội và mục tiêu phát triển KT-XH của thành phố.
Trong thời gian qua, Thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội đã ban hành, triển khai kịp thời các chỉ thị, nghị quyết, kế hoạch trong đó có nhiều văn bản mang tính chiến lược và lâu dài, góp phần nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý Nhà nước về PCCC. Qua đó tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của người dân, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, cơ sở trong công tác PCCC.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác PCCC và CNCH trên địa bàn thành phố vẫn còn một số hạn chế, bất cập. Tình hình cháy, nổ trên địa bàn thành phố vẫn diễn biến phức tạp và nhiều nguy hiểm, thiệt hại về người và tài sản vẫn ở mức cao.
Cụ thể, số vụ cháy lớn, cháy gây thiệt hại nghiêm trọng chiếm khoảng 3,59% tổng số vụ cháy nhưng lại gây mức độ thiệt hại về tài sản chiếm khoảng 85%.
Đặc biệt, 9 tháng đầu năm 2023, xảy ra 185 vụ cháy gây thiệt hại lớn về người, trong đó có vụ cháy đặc biệt nghiêm trọng xảy ra ở phường Khương Đình, quận Thanh Xuân.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do chính quyền địa phương, người đứng đầu cơ sở chưa thực sự quan tâm đúng mức đến công tác PCCC. Một số nơi còn lơ là, chủ quan, còn tâm lý phó mặc công tác PCCC cho cơ quan chuyên trách.
Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng PCCC của TP Hà Nội cũng chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiều tuyến phố nhỏ, ngõ sâu, xe chữa cháy, xe thang không tiếp cận được…
Thành phố vẫn còn nhiều công trình xây dựng lâu năm đã xuống cấp. Trong khi đó, trên địa bàn tiếp tục phát triển nhiều khu đô thị, nhà cao tầng, công trình ngầm.
“Các yếu tố trên tiếp tục là nguyên nhân tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ và cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, hoạt động kinh doanh, đời sống dân sinh”, HĐND TP Hà Nội lo ngại.
Trước thực trạng trên, HĐND TP Hà Nội cho rằng, bên cạnh việc thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Trung ương và thành phố về công tác PCCC, các đơn vị của thành phố cũng phải xác định rõ tầm quan trọng của công tác PCCC. Kiện toàn nhân lực, nguồn lực, cơ sở vật chất phục vụ PCCC.
HĐND TP Hà Nội yêu cầu thực hiện ngay các biện pháp ngăn chặn, hạn chế số vụ cháy nổ lớn ở khu dân cư, nhà cao tầng, chung cư mini… Người đứng đầu chính quyền các cấp của thành phố, cơ quan, doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra cháy nổ gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản trong phạm vi lãnh đạo, quản lý của mình.
Hà Nội sẽ đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao công nghệ chữa cháy và cứu nạn cứu hộ hiện đại. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động PCCC và CNCH.
Bên cạnh đó, TP Hà Nội cũng khuyến khích xã hội hóa đầu tư cho hoạt động PCCC và CNCH. Huy động mọi nguồn lực hợp pháp để mua sắm thiết bị PCCC và CNCH.