Sau vụ cháy chung cư mini ở phố Khương Hạ (quận Thanh Xuân, TP Hà Nội), vấn đề được nhiều người quan tâm đó là ý thức PCCC của người dân, chính quyền sở tại và chủ đầu tư công trình đã được đặt ra và đòi hỏi có giải pháp cho vấn đề này.

Theo Đại tá, Tiến sĩ Nguyễn Thành Long, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (Đại học Phòng cháy chữa cháy, Bộ Công an), chung cư mini rất phổ biến tại một số khu dân cư nhưng thường không được xây dựng theo đúng quy hoạch mà xây theo chủ đầu tư, lựa chọn vị trí nào để đầu tư hiệu quả. 

985bccee f550 416c 876e 789edee3401a 9832.jpeg
 Đại tá, Tiến sĩ Nguyễn Thành Long.

Những căn nhà này cũng thường sai về cấp phép xây dựng. Từ vụ cháy vừa qua, chúng ta thấy được 1 loạt sai phạm trong xây dựng, toàn xin cấp phép 1 đằng xây dựng 1 nẻo.

Về vị trí xây dựng, theo ông Nguyễn Thành Long, do đặc thù về kinh doanh, chủ đầu tư lựa chọn vị trí có lợi về kinh doanh, thường nằm sâu trong ngõ hẻm. Như trong vụ cháy chung cư mini hôm 12/9, từ đầu ngõ đến tòa nhà cách 400m, khiến cho công tác cứu hộ cứu nạn gặp khó khăn.

Vì xây dựng không theo cấp phép quy định nên đa số không có lối thoát hiểm. Các tòa nhà này thường chỉ có 1 lối thoát hiểm duy nhất. Những ban công, cửa sổ, do đảm bảo an ninh nên thường xây kiểu “chuồng cọp”, khi có vấn đề xảy ra các lực lượng rất khó tiếp cận.

Về việc vận hành tòa nhà, thường các tòa nhà này không có hệ thống thông khói, không có hệ thống thoáng khí.

Mặt khác, phương tiện phòng cháy chữa cháy trong những tòa nhà này thường mỏng và kém. Những người bảo vệ không chuyên nghiệp, phần nhiều là người cao tuổi không chuyên môn, không có khả năng xử lý khi có cháy nổ xảy ra.

Các phương tiện trang bị gồm: Hệ thống báo cháy, hệ thống chữa cháy tự động gần như 100% không đảm bảo yêu cầu. Theo quy định các hệ thống chung cư phải có hệ thống báo cháy và chữa cháy tại tầng hầm và từng tòa nhà. Việc quản lý hệ thống nguồn điện trong tòa nhà rất lỏng lẻo không đạt yêu cầu.

Những người chung sống trong tòa nhà mini này gồm nhiều thành phần khác nhau. Nhận thức về phòng cháy chữa cháy gần như không có, việc sử dụng nguồn lửa nguồn nhiệt rất phức tạp.

Các tòa nhà hầu như dạng ống, khi có đám cháy xảy ra thì diễn biến trở nên phức tạp. Khi đám cháy xảy ra sẽ nhanh chóng đẩy khói vào các căn hộ, không có lối thông thoáng khiến người dân rất dễ bị ngạt thở. Khiến cho ảnh hưởng vụ cháy rất lớn, người dân hoảng loạn rất dễ ảnh hưởng đến con người.

Nâng cao ý thức phòng cháy chữa cháy

Tiến sĩ Nguyễn Thành Long cũng cho rằng, cơ quan quản lý vẫn còn nhiều sơ hở trong quản lý như: Cấp giấy phép xây dựng một đằng nhưng để xây dựng một nẻo; cấp phép không quản lý, không thanh tra giám sát sát sao; nhiều sai phạm nhưng không được phát hiện, kiên quyết xử lý.

Đối với các bộ phận quản lý tòa nhà như điện, gas cũng còn nhiều thiếu sót. Ông Nguyễn Thành Long dẫn chứng ngành điện phát hiện ra cũng phải có ý kiến với chính quyền về phòng chống cháy nổ, nhưng trước nay hầu như chưa từng có trường hợp được báo cáo.

image009 chung c.jpeg
Căn chung cư mini ở quận Tây Hồ (Hà Nội) chỉ có một lối thoát nạn. 

“Qua vụ cháy này cho thấy người dân chưa có nhận thức cao về pháp luật, không biết căn nhà nào như nào là vi phạm pháp luật, không có sổ đỏ, giấy tờ pháp lý chính thức mà vẫn mua”, ông Long cho hay.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Thành Long, ở một tòa nhà không có cơ sở về phòng cháy chữa cháy, xây dựng kiểu "chuồng cọp", không có ban công người dân vẫn mua và sử dụng, không báo cáo lại chính quyền. Điều đó cho thấy nhận thức chung về những việc liên quan đến tài sản, tính mạng còn hạn chế.

"Vụ cháy chung cư mini hôm 12/9 vừa qua là một sự việc nghiêm trọng mà chúng ta cần nhìn vào, cần nhìn từ đó mà cảnh tỉnh và nâng cao ý thức phòng cháy chữa cháy”, Đại tá Nguyễn Thành Long nói.

Đình Thành và nhóm PV, BTV