Nhiều vỉa hè ở các tuyến phố Thủ đô đang bị xới tung lên để thi công thay đá mới. Hình ảnh này thường xuất hiện vào mỗi dịp cuối năm.
Hình ảnh tại phố Lê Trọng Tấn (quận Hà Đông), các kiện đá chất đống để chờ lát vỉa hè.
Nguyên vật liệu được tập kết trên vỉa hè, ảnh hưởng đến sinh hoạt và đi lại của người dân.
Nhiều đoạn, công nhân vừa lật hết gạch, đá cũ lên, còn lại nền đất.
Xung quanh đó không có biển báo công trình đang thi công, không có che chắn và cảnh báo cho người đi đường.
Việc đào xới vỉa hè cũng gây cản trở hoạt động kinh doanh của các cửa hàng bên đường.
Nhiều vị trí thi công để lại các miệng cống hở, chỉ che chắn sơ sài và không có biển cảnh báo, tiềm ẩn nguy hiểm cho người qua lại.
Vỉa hè bị đào xới cũng gây khó khăn cho người đi bộ.
Cảnh tương tự tại đường Nguyễn Thanh Bình, quận Hà Đông. Ngoài ra, đoạn vỉa hè các phố Nông Quốc Chấn, Tôn Thất Thuyết (Hà Đông) cũng bị xẻ rãnh nham nhở.
Người bán hàng nước tại vỉa hè tuyến phố này chia sẻ, việc thi công bắt đầu từ tuần trước, tốc độ có vẻ chậm và chưa đảm bảo an toàn. "Từ lúc đó đến giờ, việc thi công gây nhiều tiếng ồn và bụi bẩn, ảnh hưởng xấu tới sinh hoạt và kinh doanh của gia đình tôi và mọi người xung quanh", anh nói.
Trước đó, UBND TP Hà Nội có văn bản số 4236/UBND-ĐT ngày 16/12/2022 về việc chấn chỉnh công tác đầu tư và quản lý sau đầu tư hè đường các tuyến phố trên địa bàn thành phố. Sở Xây dựng tiếp tục phối hợp với các sở, ngành thành phố kiểm tra, rà soát, đánh giá các nguyên nhân xảy ra tình trạng đá lát, bị bong bật lún nứt, vỡ... nghiên cứu các giải pháp cụ thể, thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm, bao gồm cả việc nâng cao vai trò giám sát của cộng đồng.
Năm 2016, Hà Nội từng ban hành quy định mới về cải tạo hè phố. Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2020, vỉa hè của hơn 900 tuyến đường tại 12 quận nội thành được thay thế từ gạch truyền thống sang đá tự nhiên có kết cấu bền vững với tuổi thọ lên đến 70 năm.