Phố Huỳnh Thúc Kháng (Thành Công, Ba Đình) có đến 400 mét vỉa hè được UBND quận Ba Đình cấp phép cho Công ty TNHH Một thành viên Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội trông giữ ô tô. Nhiều đoạn, xe đỗ thành hai hàng, chiếm hết lối đi dành riêng cho người khuyết tật.
Ông Dương Minh Triều (Khu tập thể B1, Huỳnh Thúc Kháng) cho rằng, nếu vỉa hè được quy hoạch là nơi trông giữ ô tô thì cần chọn vật liệu bền bỉ, ít vỡ hỏng.
“Mỗi ô tô nặng cả tấn lên, xuống khiến đá lát rất nhanh hỏng, vài ba năm lại phải thay mới như hiện nay thì rất lãng phí”, ông Dương Minh Triều nói.
Vỉa hè phố Giảng Võ (Ba Đình) cũng được cấp phép trông giữ ô tô. Tại đây, bãi xe có quy mô lớn hơn nhiều so với phố Huỳnh Thúc Kháng, thường xuyên có hàng trăm ô tô được trông giữ.
Anh Nguyễn Mạnh Thắng (Giảng Võ, Ba Đình) cho biết, trong 1 tháng trở lại đây, cơ quan chức năng đang cho lát lại đá vỉa hè trên tuyến phố này.
“Do nhiều ô tô đỗ trên vỉa hè nên đá lát ở đây thường xuyên bị nứt, vỡ. Đợt này, cơ quan chức năng cho thay mới đá lát hè nhưng đang thi công dang dở người ta đã kẻ vạch trông xe rồi”, anh Nguyễn Thắng bức xúc.
Tại quận Hoàn Kiếm, tình trạng ô tô đỗ trên vỉa hè cũng tồn tại ở phố Ngô Quyền, Hai Bà Trưng… Có thời điểm, xe đỗ thành hai hàng, chiếm trọn lối đi của người đi bộ. Vào cuối tuần, nhiều đoạn vỉa hè còn được UBND quận Hoàn Kiếm cấp phép cho trông giữ xe máy, mỗi bãi xe có quy mô hàng trăm chiếc.
Tại khu vực vỉa hè phố Ngô Quyền (đoạn trước vườn hoa Chí Linh), mỗi ngày có hàng nghìn lượt xe máy được trông giữ, đồng nghĩa với việc có hàng nghìn lượt xe máy trèo lên, xuống vỉa hè, nơi đã được lát đá tự nhiên.
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, sau 6 năm triển khai kế hoạch cải tạo, đến nay các quận đã lát đá tự nhiên cho vỉa hè 255 tuyến phố, tập trung ở quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Cầu Giấy và Tây Hồ. Tuy nhiên, đá lát tại các vỉa hè này lâm vào tình trạng xuống cấp, hư hỏng sau vài năm sử dụng. Điều đáng nói, chi phí để chỉnh trang tuyến phố, lát vỉa hè dao động từ vài chục đến cả trăm tỷ đồng. Quận Thanh Xuân đã đầu tư hơn 100 tỷ đồng cho hạng mục vỉa hè, trong đó có lát đá ở đường Nguyễn Trãi. Tại quận Hoàng Mai, nơi từng bị Thanh tra thành phố Hà Nội chỉ ra bất cập trong thực hiện thay đá vỉa hè năm 2017, quận này đầu tư 10,76 tỷ đồng cải tạo đường Giải Phóng (đoạn từ phố Tương Mai đến đường Vành đai 3) với chiều dài 2,83km. |
XEM CLIP: