Kế hoạch ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước, phát triển chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số và bảo đảm an toàn thông tin mạng thành phố Hà Nội giai đoạn 2022 – 2025 vừa được ban hành.

Với kế hoạch này, UBND thành phố đặt mục tiêu hoàn thành xây dựng, phát triển chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số thành phố Hà Nội hoạt động minh bạch, hiệu quả, cung cấp các dịch vụ của cơ quan nhà nước dựa trên nhu cầu của người dân, doanh nghiệp.

Cơ bản hoàn thành chuyển đổi số trong các cơ quan nhà nước thành phố. Từng bước cung cấp dữ liệu mở của chính quyền thành phố để thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số. Chính quyền thành phố hoạt động, vận hành dựa trên năng lực khai thác và phân tích dữ liệu.

Một mục tiêu hướng tới của Hà Nội là chính quyền thành phố hoạt động, vận hành dựa trên năng lực khai thác và phân tích dữ liệu (Ảnh minh họa: Internet)

Cùng với đó, UBND thành phố Hà Nội cũng đề ra các mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu cần đạt được trong hơn 3 năm tới về dịch vụ công, huy động sự tham gia của xã hội, vận hành tối ưu các hoạt động của cơ quan nhà nước cũng như phối hợp giải quyết hiệu quả các vấn đề lớn trong phát triển kinh tế xã hội.

Cụ thể, về dịch vụ công, hàng loạt chỉ tiêu đầy tham vọng được UBND thành phố đặt ra như: 100% dịch vụ công trực tuyến được thiết kế, thiết kế lại để tối ưu hóa trải nghiệm người dùng, khi sử dụng được điền sẵn dữ liệu mà người dùng đã cung cấp trước đó theo thỏa thuận, phù hợp với tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ; 80% hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý hoàn toàn trực tuyến; Tối thiểu 90% người dân, doanh nghiệp hài lòng về việc giải quyết thủ tục hành chính của thành phố…

Về huy động rộng rãi sự tham gia của xã hội, kế hoạch của thành phố Hà Nội xác định tối thiểu 50% dịch vụ công mới của cơ quan nhà nước có sự tham gia cung cấp của doanh nghiệp hoặc tổ chức ngoài nhà nước.

Về vận hành tối ưu các hoạt động của cơ quan nhà nước, các mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu gồm có: 100% công chức được gắn định danh số trong xử lý công việc; 100% cơ quan nhà nước thành phố tham gia mở dữ liệu và cung cấp dữ liệu mở phục vụ phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số; 100% hoạt động chỉ đạo, điều hành và quản trị nội bộ của cơ quan nhà nước được thực hiện trên nền tảng quản trị tổng thể, thống nhất.

Cùng với đó, 90% hồ sơ công việc tại sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã; 60% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ thuộc phạm vi bí mật nhà nước); 50% hoạt động kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý nhà nước được thực hiện qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý nhà nước.

100% các cơ quan nhà nước thành phố hoàn thành triển khai, nâng cấp và duy trì bảo đảm an toàn thông tin theo mô hình “4 lớp”. 100% máy tính tại các cơ quan nhà nước thuộc UBND thành phố cài đặt phần mềm phòng chống mã độc. 100% cán bộ công thức, viên chức được tập huấn, bồi dưỡng, phổ cập kỹ năng số cơ bản; 50% cán bộ, công chức, viên chức được tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng phân tích, khai thác dữ liệu và công nghệ số…

Để hiện thực hóa các mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra, tại kế hoạch mới ban hành, UBND thành phố Hà Nội cũng đã xác định rõ 6 nhiệm vụ cụ thể và 6 giải pháp. Sở TT&TT Hà Nội là cơ quan được giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố xây dựng và trình UBND thành phố ban hành kế hoạch thực hiện hằng năm. Đồng thời, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, giám sát các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện trong quá trình triển khai kế hoạch.

Theo kết quả đánh giá mức độ chuyển đổi số của các bộ, tỉnh - DTI 2020 được Bộ TT&TT công bố hồi tháng 10/2021, Hà Nội xếp thứ 43 về chuyển đổi số, với thứ hạng ở 3 trụ cột chính quyền số, kinh tế số và xã hội số lần lượt là 48, 27 và 54.

Vân Anh