Hà Nội đã có 2.167 sản phẩm OCOP

Theo Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội, qua hơn 4 năm triển khai (từ năm 2019 đến nay), thành phố đã tổ chức đánh giá, phân hạng được 2.167 sản phẩm OCOP. Hiện, 1.871 sản phẩm OCOP còn hiệu lực (trong đó có 6 sản phẩm 5 sao, 11 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 1.162 sản phẩm 4 sao và 692 sản phẩm 3 sao).

Điều đáng chú ý, Hà Nội đang tập trung đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩn và “nâng tầm” các sản phẩm OCOP cho các HTX. Trong đó, tập trung đưa các sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử, các nền tảng mạng xã hội và tiến ra nước ngoài bằng hình thức xuất khẩu chính ngạch chứ không phải việc bán lẻ hay phụ thuộc thương lái với thảm cảnh được mùa rớt giá hoặc làm ra không có ai mua như thời gian trước.

htx 4 - Ha Noi.jpg
Hà Nội “nâng tầm” sản phẩm OCOP, nâng cao vai trò các hợp tác xã do phụ nữ quản lý. 

Theo ông Nguyễn Mạnh Phương, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội: Năm 2023, Hà Nội đặt mục tiêu đánh giá, phân hạng được ít nhất 400 sản phẩm OCOP. Trong 11 tháng đầu năm, các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố đã đăng ký đánh giá, phân hạng tổng số 559 sản phẩm, trong đó có 138 sản phẩm đăng ký đánh giá lại. Dự kiến đến cuối tháng 11/2023, các quận, huyện, thị xã đã hoàn thành việc đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP 3 sao cấp huyện. 

Đối với sản phẩm tiềm năng 4 sao, Hội đồng OCOP thành phố Hà Nội sẽ tổ chức đánh giá, phân hạng; phấn đấu hoàn thành trong tháng 12/2023 tới, trước khi hoàn thiện hồ sơ trình các cấp có thẩm quyền quyết định phân hạng, cấp sao. Như vậy, đến nay 29/30 quận, huyện, thị xã đã có sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng OCOP từ 3 sao trở lên. Trong giai đoạn 2021 - 2025, thành phố Hà Nội phấn đấu trung bình mỗi năm có thể đánh giá, phân hạng được từ 400 sản phẩm OCOP trở lên.

Phấn đấu mỗi HTX có từ 2 đến 3 sản phẩm OCOP 4 sao trở lên

Đứng ở góc độ quy hoạch các vùng nông sản và tham mưu cho lãnh đạo bộ về phát triển nông nghiệp, ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) chia sẻ: “Quan điểm của Bộ NN&PTNT là quan tâm bao nhiêu nông dân trong khu vực HTX, càng nhiều nông dân tham gia vào HTX thì càng nhiều hộ được hưởng lợi từ các chương trình hỗ trợ của nhà nước, trong đó có chiến lược phát triển bền vững. HTX là công cụ phát triển nông nghiệp bền vững, có thể khắc phục được công nghệ, vốn, thị trường”.

Riêng với Thủ đô Hà Nội, thế mạnh của nông nghiệp không cần phải bàn cãi sau khi sáp nhập toàn bộ diện tích tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh (Vĩnh Phúc), 4 xã huyện Lương Sơn (Hòa Bình). Đây đều là những vùng nông nghiệp chất lượng cao và có uy tín lâu năm. Do đó, Hà Nội đang rất tham vọng phấn đấu mỗi HTX phải có từ 2 đến 3 sản phẩm OCOP từ 4 sao trở lên, tập trung vào sản xuất xanh, hữu cơ và nâng cao vai trò của các HTX trong thời đại nông nghiệp số.

Trong một diễn biến có liên quan, UBND TP Hà Nội vừa ban hành kế hoạch thực hiện Đề án “Hỗ trợ hợp tác xã do phục nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ trên địa bàn Hà Nội đến năm 2030”. Kế hoạch nhằm cụ thể hóa Quyết định số 01/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Mục tiêu của Đề án là phát triển, củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX do phụ nữ tham gia quản lý, điều hành. Hỗ trợ nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho thành viên và người lao động trong các HTX.

Đối tượng thụ hưởng chính sách từ Đề án là các HTX do phụ nữ tham gia quản lý, điều hành; HTX tạo nhiều việc làm cho lao động; cán bộ hội liên hiệp phụ nữ các có nhu cầu phát triển kinh tế tập thể; thành viên, người lao động trong các HTX… Hà Nội phấn đấu đến năm 2025, sẽ củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động cho ít nhất 30 HTX do phục nữ tham gia quản lý; tạo công ăn việc làm cho khoảng 600 thành viên các HTX. Đến năm 2030, sẽ hỗ trợ thành lập mới được 15 HTX do phụ nữ làm chủ và tăng HTX được hỗ trợ củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động…

Như vậy, so với mục tiêu đầu năm 2023 của Liên minh HTX  TP Hà Nội (sẽ tư vấn, hướng dẫn thành lập mới khoảng 100 HTX; phấn đấu kết nạp thêm 3.200 thành viên, và nâng thu nhập bình quân của các thành viên HTX lên mức 3,2 triệu đồng/người/tháng…), thì các mục tiêu mới vừa qua chắc chắn sẽ được “nâng cấp” trong thời gian tới. Trong đó mục tiêu thu nhập 4 triệu đồng/người/tháng của các xã viên thực tế đã đạt được từ cuối tháng 10/2023.

Nguyễn Thanh và nhóm PV, BTV