Hà Nội - Ninh Bình - Kon Tum là những địa phương có đặc điểm văn hóa, tự nhiên đặc sắc và hội tụ nhiều yếu tố để phát triển các loại hình du lịch như: Du lịch di sản, sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa - lễ hội,…
Đây cũng là các địa phương có vị trí đắc địa, thuận lợi trong giao lưu, phát triển kinh tế. Do đó, hợp tác và hội nhập là một chiến lược rất quan trọng đối với du lịch của 3 tỉnh, thành.
"Hội nghị xúc tiến, quảng bá điểm đến du lịch liên vùng giữa Hà Nội - Ninh Bình - Kon Tum với các tỉnh Tây Nam Bộ" được tổ chức hồi tháng 7 đã thúc đẩy liên kết, hợp tác phát triển du lịch giữa 3 địa phương trên và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp du lịch kết nối và hỗ trợ nhau trong việc khai thác những chương trình du lịch hấp dẫn, thu hút khách du lịch.
Tại hội nghị, bà Đặng Hương Giang - Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho biết, thời gian qua, Hà Nội đã tích cực, chủ động triển khai nhiều chương trình, hoạt động hợp tác với các địa phương tại Đồng bằng sông Cửu Long, như các chương trình famtrip, presstrip, xây dựng sản phẩm liên kết...
Qua đó, đã có nhiều công ty lữ hành du lịch ở Hà Nội tổ chức các chương trình tour, đưa du khách từ Thủ đô đến khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội đề xuất, cần thường xuyên phối hợp tổ chức hội nghị kết nối doanh nghiệp du lịch giữa các địa phương và cơ quan quản lý nhà nước; tăng cường tuyên truyền, quảng bá các sản phẩm du lịch đặc sắc và đa dạng hóa các hình thức quảng bá thông qua các website, nền tảng mạng xã hội.
Đồng thời, kết nối sản phẩm du lịch gắn với các hãng hàng không để tăng tần suất các chuyến bay giữa các địa phương, có cơ chế phối hợp giữa các doanh nghiệp vận chuyển, lữ hành và lưu trú cùng với các hãng hàng không để xây dựng các gói sản phẩm ưu đãi, kích cầu du lịch nội địa; xây dựng sản phẩm du lịch thông minh, tăng cường cung cấp cho du khách những dịch vụ, tiện ích, trải nghiệm thông qua các nền tảng công nghệ số...
Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Kon Tum Bạch Thị Mân cho rằng, cần kết nối các giá trị đặc thù để tạo thành chuỗi sản phẩm du lịch hấp dẫn, hướng đến sự chuyên nghiệp và đa dạng, từng bước định vị thương hiệu du lịch vùng của cụm Tây Nguyên với các tỉnh phía Bắc, cụm Tây Nguyên với cụm Đồng bằng sông Cửu Long như một điểm đến có giá trị và thú vị ở Việt Nam.
Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình Bùi Văn Mạnh khẳng định, tỉnh Ninh Bình tiếp tục tăng cường phối hợp chặt chẽ với Hà Nội, tỉnh Kon Tum và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long sớm nghiên cứu, xác định các giải pháp cụ thể để khắc phục những mặt còn hạn chế trong lĩnh vực du lịch; phát huy hơn nữa các mặt đã, đang làm tốt nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động quảng bá hình ảnh, thu hút xúc tiến đầu tư của các địa phương; đề xuất cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi nhất để các tổ chức, cá nhân tham gia kinh doanh du lịch hiệu quả, khách du lịch được trải nghiệm các dịch vụ tốt nhất ở các địa phương.
Tại hội nghị, đại diện hiệp hội du lịch của các địa phương và nhiều doanh nghiệp lữ hành, dịch vụ đã thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, bất cập đồng thời hiến kế nhằm đẩy mạnh việc kết nối sản phẩm, tour tuyến giữa doanh nghiệp và địa phương trong thời gian tới, qua đó góp phần đa dạng hóa sản phẩm, tạo nên những chương trình tour mang tính đặc thù của từng địa phương, nhằm thu hút khách đến và quay lại các điểm đến nhiều lần.
Trong thời gian tới, sở Du lịch Hà Nội, Ninh Bình, Kon Tum và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long sẽ phối hợp chặt chẽ để triển khai có hiệu quả hoạt động liên kết phát triển du lịch.