Trao đổi với phóng viên VietNamNet, PGS.TS Doãn Minh Tâm, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ Bộ GTVT, ủng hộ chính sách làm làn đường dành riêng cho xe đạp của TP Hà Nội. Tuy nhiên, theo ông, vấn đề này đặt ra trong giai đoạn hiện nay là chưa phù hợp, khó khả thi.
Trong những năm gần đây, nhiều người dân ở TP Hà Nội thích đi xe đạp, nhưng phải di chuyển chung làn đường với ô tô, xe máy nên rất nguy hiểm. Ông đánh giá thế nào về việc TP Hà Nội nghiên cứu làm làn đường dành riêng cho xe đạp trên một số tuyến đường phù hợp, bảo đảm an toàn giao thông?
Về nguyên tắc tổ chức giao thông, chúng ta phải nghiên cứu đặc điểm của từng loại phương tiện, từ đó đưa ra giải pháp cho ô tô, xe máy, xe thô sơ đi chung làn hay tách làn đường riêng.
Trước đây xe đạp vừa là phương tiện đi lại, vừa là phương tiện vận chuyển hàng hoá nhỏ. Còn hiện nay, đa phần người dân sử dụng xe đạp như công cụ để tập thể thao, rèn luyện sức khoẻ, cũng có người dùng làm phương tiện đi lại nhưng ở cự ly ngắn.
Đặc điểm nổi bật nhất của xe đạp là phương tiện thân thiện với môi trường, nhưng tốc độ chậm, phụ thuộc vào sức người. Do vậy, nếu để xe đạp đi lẫn vào dòng phương tiện giao thông cơ giới, nó trở thành đối tượng cản trở giao thông. Xe đạp cũng không đủ điều kiện an toàn về phanh, chuông, gương phản chiếu, đèn xi nhan nên rất dễ dẫn đến tai nạn giao thông nếu di chuyển cùng làn xe cơ giới.
Từ những đặc điểm đó, nhiều nước trên thế giới đã làm làn đường dành riêng cho xe đạp. Về nguyên tắc, tôi ủng hộ chính sách làm làn đường dành riêng cho xe 2 bánh nói chung và xe đạp nói riêng.
Tuy nhiên, việc đầu tư xây dựng làn đường dành riêng cho xe đạp đã cấp thiết hay chưa. Có thể TP Hà Nội mới chỉ nhìn thấy xe đạp là loại phương tiện thân thiện với môi trường nên mới ủng hộ.
Còn với tôi, làm đường dành riêng cho xe máy mới là cần thiết nhất hiện nay, nhưng chưa được TP Hà Nội đề cập. Bởi xe máy là phương tiện đi lại chính của người dân TP Hà Nội, trong khi đó vẫn để đi chung với làn ô tô, rất dễ gây ùn tắc và tai nạn giao thông.
Trong giai đoạn hiện nay, quỹ đất để làm đường giao thông của TP Hà Nội chưa đạt yêu cầu, dẫn đến tình trạng ùn tắc thường xuyên xảy ra trên nhiều tuyến đường. Nếu TP Hà Nội làm làn đường dành riêng cho xe đạp, liệu có khả thi, thưa ông?
Theo tôi được biết, quỹ đất dành cho giao thông ở Hà Nội hiện nay mới được khoảng 5-6%, trong khi đó yêu cầu đặt ra là phải 15-20%. Khi cơ sở hạ tầng không đảm bảo, ùn tắc giao thông tất yếu xảy ra trên nhiều tuyến đường.
Nếu như TP Hà Nội đặt vấn đề làm làn đường dành riêng cho xe đạp là để phục vụ nhu cầu thể thao, nâng cao sức khoẻ nhân dân thì quá tốt. Thế nhưng, hiện nay làn đường dành cho phương tiện cơ giới còn không đạt, lấy đâu ra đường dành riêng cho mục đích vui chơi, giải trí, thể thao.
Do vậy, TP Hà Nội phải làm rõ mục đích của việc làm đường dành riêng cho xe đạp là gì, phục vụ đối tượng nào và hiệu quả của nó như thế nào? Hà Nội cũng cần phải nghiên cứu phương tiện giao thông nào cần ưu tiên số một hiện nay trên các tuyến đường. Từ đó giải quyết vấn đề ùn tắc, tai nạn giao thông và đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Nhưng nếu đặt mục tiêu người dân sử dụng xe đạp thay cho xe cơ giới để đi làm thì cũng cần làn đường dành riêng để đảm bảo an toàn, thưa ông?
Mục tiêu của TP Hà Nội hiện nay là phát triển phương tiện vận tải hành khách công cộng như xe buýt, tàu điện để dần thay thế phương tiện cá nhân. Nhiều năm qua Hà Nội vẫn loay hoay tìm kiếm giải pháp nâng cao tỷ lệ vận chuyển của phương tiện giao thông công cộng, lấy đâu ra làn đường dành riêng cho xe đạp.
Tỷ lệ người dân TP Hà Nội sử dụng xe đạp đi làm là bao nhiêu phần trăm so với các loại phương tiện khác? Thực tế, chưa có nghiên cứu cụ thể nào cho vấn đề này, nhưng tôi nghĩ là rất ít.
Khi nghe thông tin Hà Nội nghiên cứu làm làn đường dành riêng cho xe đạp, ai cũng mừng, nhưng nó không phải là vấn đề ưu tiên số một trong việc tổ chức giao thông hiện nay.
Vậy theo ông, trong điều kiện hiện nay, tuyến đường nào ở Hà Nội phù hợp với việc làm làn đường dành riêng cho xe đạp?
Theo chức năng, nhiệm vụ của từng loại phương tiện, người làm tổ chức giao thông sẽ phân loại đường nào là hành lang vận tải, đường nào tuyệt đối cấm xe 2 bánh và đường nào sẽ dành cho xe đạp.
Xe đạp có đặc điểm tốc độ chậm, không đòi hỏi đường quá rộng, chất lượng mặt đường cũng không cần cao. Do vậy, chúng ta có thể thiết kế làn đường dành riêng cho xe đạp ở những tuyến đường nội bộ trong khu đô thị, công viên, tuyến đường địa phương hoặc tuyến đường cấm các loại phương tiện có động cơ. Nhiều nước trên thế giới còn để xe đạp lưu thông trên vỉa hè cùng với người đi bộ.
Nghiên cứu làn đường phù hợp dành riêng cho xe đạp Trong kế hoạch thực hiện nghị quyết của Chính phủ về đảm bảo an toàn và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2022-2025, TP Hà Nội đề cập đến việc nghiên cứu thí điểm làn đường dành riêng cho xe đạp. Trao đổi với báo chí về vấn đề này, ông Trần Hữu Bảo - Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, cơ quan này đang nghiên cứu thí điểm làn đường đi ưu tiên cho xe đạp trên một số tuyến đường phù hợp, bảo đảm an toàn giao thông. “Hiện nay, chúng tôi được thành phố giao chủ trì, phối hợp với bên công an, cùng các sở ngành, quận huyện nghiên cứu thí điểm bố trí làn đường đi ưu tiên cho xe đạp trên một số tuyến đường phù hợp, bảo đảm an toàn giao thông. Nội dung này mới đang ở bước nghiên cứu”, ông Bảo nói. |