Sáng 10/1, Hà Nội tiếp tục chìm trong sương mù và bụi bẩn, chất lượng không khí ở nhiều nơi rất kém. Trạng thái này còn có thể kéo dài.

Sương mù bao phủ trên cầu Nhật Tân
Sương mù khiến tầm nhìn của những người tham gia giao thông bị hạn chế.

Nhiều khu vực của thành phố có cảnh báo ô nhiễm không khí mức màu nâu – mức cực kỳ nguy hại cho sức khỏe.

Các điểm có chỉ số AQI rất cao như Cầu Giấy 433, phố Phạm Tuấn Tài 305, Trường mầm non thực hành Hoa Sen 451, Thanh Xuân 318, Hoàn Kiếm 376. Cá biệt, Khu đô thị Time City lên tới con số 500.

Theo đánh giá của trang IQAir, với chỉ số AQI trung bình là 173 đơn vị, hôm nay Hà Nội xếp thứ 4/10 thành phố có chất lượng không khí kém nhất trên thế giới.

Các điểm quan trắc chất lượng không khí ở Hà Nội đều cho chỉ số AQI ở mức cao. (Ảnh chụp màn hình lúc 10h sáng nay 10/1).

TS. Hoàng Dương Tùng, Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, cho biết, sương mù quang hóa là sương mù xảy ra ở tầng đối lưu của khí quyển, sinh ra do hiện tượng nghịch nhiệt bức xạ (ánh Mặt Trời) gây đảo nhiệt kết hợp với độ ẩm trong không khí cao, từ đó tích tụ ngưng kết các chất ô nhiễm sẵn có trong không khí ở tầng cao.

Hiện tượng sương mù quang hóa dễ xảy ra trong khu vực nội thành, gây hại cho sức khỏe con người, làm giảm tầm nhìn.

Ngoài ra, ô nhiễm không khí ở Hà Nội và các đô thị còn xuất phát từ các nguồn thải giao thông, xây dựng, sản xuất công nghiệp và các hoạt động dân sinh khác.

Hà Nội chủ yếu là ô nhiễm bụi. Trong đó, bụi mịn PM2.5 được coi là "tử thần" có thể đi sâu vào phổi, gây ra nhiều bệnh về hô hấp, tim mạch, đặc biệt là với đối tượng người già, trẻ em.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, đến ngày 15/1 sẽ có đợt không khí lạnh mạnh bổ sung xuống, đến lúc này chất lượng không khí mới được cải thiện. Từ nay đến cuối tuần, nhiều tỉnh miền Bắc duy trì tình trạng không khí ô nhiễm do bụi bẩn không phát tán được.