Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Hải Dương cho biết, đến hết năm 2020, tỉnh Hải Dương có 100% các xã đạt chuẩn nông thôn mới, 100% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn hoặc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Hải Dương cũng được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, tỉnh Hải Dương đã xây dựng nền sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng hàng hóa tập trung ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch và nông nghiệp hữu cơ; tốc độ cơ giới hóa sản xuất tăng nhanh, giúp giảm tổn thất và chi phí trong sản xuất. Nhiều mô hình liên kết trong sản xuất được hình thành, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất.

Tỉnh Hải Dương phấn đấu đến hết năm 2025 có ít nhất 60% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, ít nhất 20% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; xây dựng 3 huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và thu nhập hình quân người dân nông thôn đạt từ 76-80 triệu đồng/người/năm. Tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí, bảo đảm sau khi rà soát 100% số xã đạt các chỉ tiêu, tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021 - 2025 và hướng tới xây dựng nông thôn mới thông minh.

Ảnh màn hình 2024 07 08 lúc 14.44.23.png

Hải Dương phấn đấu có nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.

Với mục tiêu đặt ra đến năm 2025, tỉnh Hải Dương phấn đấu có 100% cán bộ quản lý các cấp tham gia thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được tập huấn, nâng cao năng lực về chuyển đổi số. 90% số hồ sơ công việc cấp tỉnh, 80% số hồ sơ công việc cấp huyện và 70% số hồ sơ công việc cấp xã được xử lý trên môi trường mạng. 50% các mô hình liên kết gắn với vùng nguyên liệu có ứng dụng công nghệ số.

50% số xã, huyện cung cấp ít nhất một dịch vụ thiết yếu và tổ chức lấy ý kiến phản hồi về sự hài lòng của người dân về kết quả xây dựng nông thôn mới thông qua ứng dụng trực tuyến…

Để đạt được mục tiêu trên, các địa phương trong tỉnh sẽ tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới. Phát triển chính quyền số, thúc đẩy kinh tế số, xã hội số trong xây dựng nông thôn mới. Rà soát, lựa chọn xây dựng mô hình điểm xã nông thôn mới thông minh nổi trội theo một trong những lĩnh vực (kinh tế, du lịch nông thôn, môi trường…) để tập trung chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện.