Xã Chà Nưa, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên là vùng đặc biệt khó khăn được triển khai các chương trình hỗ trợ xóa đói, giảm nghèo của Chính phủ. Trong 3 năm thực hiện xây dựng nông thôn mới (2016 - 2018), tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo tại xã giảm từ 53% xuống 11,41%.

Năm 2018, xã Chà Nưa về đích nông thôn mới, sớm hơn 2 năm so với dự kiến và là 1 trong 15 xã nông thôn mới của huyện Nậm Pồ. Giai đoạn 2021 - 2025, xã tập trung giữ vững các tiêu chí và xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.

Bên cạnh sự chỉ đạo sát sao của cấp ủy Đảng, chính quyền là sự đồng lòng, chung tay xây dựng nông thôn mới của đồng bào các dân tộc trong xã. Nhân dân chủ động tham gia xây dựng nông thôn mới trên tinh thần dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân thụ hưởng. Bà con cùng bàn bạc, thống nhất cách làm; chủ động chỉnh trang nhà cửa; vệ sinh làng bản, ngõ xóm; áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, phát triển kinh tế hộ gia đình; đóng góp sức người, sức của xây dựng các công trình công cộng như đường nội bản, nội xã, nhà văn hoá, trường học, sân vận động…

W-20240411_112242.jpg
Mã QR code giới thiệu về du lịch xã Chà Nưa được treo tại khu vực nhà sàn của bản Nà Sự. 

Ðể duy trì, nâng cao ý thức của người dân trong giữ gìn vệ sinh môi trường và xây dựng nếp sống văn hóa ở khu dân cư, Mặt trận Tổ quốc, các ban, ngành đoàn thể xã đã phát động và triển khai các mô hình “Ðoạn đường tự quản”, “Khu dân cư sáng, xanh, sạch, đẹp” đến từng gia đình tại các thôn, bản. Nhờ đó 100% đoạn đường thôn bản trên địa bàn xã Chà Nưa luôn xanh, sạch, đẹp...

Chị Lèng Thị Chiên, hội viên Hội Phụ nữ xã Chà Nưa chia sẻ, chúng tôi luôn xác định đẩy mạnh tuyên truyền, vận động tới từng hộ dân; nâng cao nhận thức, ý thức hội viên để hoàn thành các tiêu chí. Ví dụ, công tác bảo vệ, giữ gìn vệ sinh môi trường sống được Hội Phụ nữ xã gắn với việc thực hiện các cuộc vận động, phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới. Mỗi hội viên, gia đình hội viên làm gương trong giữ gìn vệ sinh đường làng, ngõ xóm; thực hiện phân loại rác, tiêu hủy ngay tại gia đình; mỗi gia đình có một hố rác riêng…

Cùng với các tiêu chí về môi trường, thu nhập… xã Chà Nưa triển khai nhiều giải pháp để thúc đẩy chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới. Tiêu biểu như bản Nà Sự với 140 hộ dân. Bà con trong bản luôn đoàn kết, nhất trí cao thực hiện các nhiệm vụ, trong đó có xây dựng điểm du lịch cộng đồng Nà Sự như đầu tư, sửa sang nhà ở, điểm lưu trú mẫu, xây dựng cảnh quan du lịch xanh nhưng vẫn giữ được bản sắc văn hoá dân tộc, thành lập đội văn nghệ bản… 

Ông Thùng Văn Ánh, Chủ tịch UBND xã Chà Nưa cho biết, trong giai đoạn vừa qua, xã tập trung phát triển kinh tế, phát triển bản du lịch cộng đồng Nà Sự. Xã Chà Nưa hiện có dân số hơn 600 hộ, tình hình trật tự an ninh luôn được đảm bảo. 

Xác định trên địa bàn xã có lợi thế, tiềm năng phát triển về du lịch, như bản Nà Sự nằm sát trục Quốc lộ 4H rất thuận lợi cho điểm dừng chân; vì vậy, Đảng bộ, chính quyền xã quyết tâm triển khai xây dựng phát triển du lịch cộng đồng. 

W-20240411_113501.jpg
Bà con bản Nà Sự tìm hiểu, học hỏi kiến thức, tiếng Anh qua Internet. 

Bản Nà Sự được địa phương chú trọng số hóa toàn diện, sóng wifi phủ rộng khắp. Trước mỗi ngôi nhà sàn đều có mã QR giới thiệu chi tiết về bản, gia chủ, số phòng và một số địa điểm du lịch ở địa phương. Người dân tận dụng nền tảng số để tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm từ các homestay, bản du lịch cộng đồng ở địa phương khác qua mạng xã hội cũng như giới thiệu bản Nà Sự đến du khách. 

Ngoài đón khách du lịch trong nước, bà con bản Nà Sự còn tự học tiếng Anh giao tiếp cơ bản qua các trang trực tuyến để đón các đoàn du khách nước ngoài sẽ chuẩn bị chu đáo và tạo sự thân thiện hơn.  

Song song đó, công tác tuyên truyền pháp luật, nâng cao nhận thức người dân được các cơ quan đoàn thể ở xã, huyện phối hợp với lực lượng công an và Đồn biên phòng Si Pa Phìn là lực lượng đứng chân trên địa bàn cùng tuyên truyền qua loa kéo, loa phát thanh, họp hội nhóm, sinh hoạt hộ, hội, tổ chức chính trị. Đồng thời, chú trọng đẩy mạnh chuyển đổi số công tác tuyên truyền qua mạng xã hội như Zalo, Facebook. 

Cán bộ địa phương phối hợp với các đơn vị chức năng tập huấn, hướng dẫn người dân tiếp cận, cài đặt các phần mềm, sử dụng các dịch vụ số phục vụ nhu cầu thiết yếu như: dịch vụ công trực tuyến, y tế, giáo dục, chính sách xã hội, phòng chống dịch, phòng cháy chữa cháy, xây dựng thương hiệu sản phẩm chủ lực của thôn…

Xã còn xây dựng nội dung tuyên truyền theo hướng nâng cao nhận thức về chuyển đổi số; đẩy mạnh xây dựng chính quyền số; thúc đẩy kinh tế số; Tập trung phát triển xã hội số trong xây dựng nông thôn mới.

Bên cạnh đó triển khai, hướng dẫn các cơ chế, chính sách khuyến khích người dân từng bước tiếp cận, làm quen với thanh toán trực tuyến thay vì dùng tiền mặt trong việc thu, nộp thuế; giao dịch thương mại điện tử; thu phí, lệ phí, thủ tục hành chính; thanh toán cước hay đơn giản là sử dụng ứng dụng không dùng tiền mặt trong giao dịch mua bán nông sản, kinh doanh homestay, giới thiệu hình thức thanh toán qua mã QRcode, máy POS vào giao dịch.

Nhiều cửa hàng trên địa bàn xã Chà Nưa đã cho phép người dân thanh toán bằng hình thức chuyển khoản hoặc quét mã VN-PAY, QRcode; đa số người dân đều có tài khoản ngân hàng điện tử. Hiện tại, tỷ lệ bà con trong xã sử dụng điện thoại thông minh chiếm 60% -70%, mạng Internet phủ sóng tại 6/6 bản.

“Tại mỗi bản, chúng tôi thành lập 1 nhóm Zalo, Facebook và giao cho ủy viên ban chấp hành của bản phụ trách. Ngoài ra, các đoàn viên, thanh niên trên địa bàn cũng hướng dẫn, phổ biến cho những người dân cách sử dụng công nghệ. Hoạt động này nhằm phổ cập Internet, giúp bà con tiếp cận các nguồn thông tin chính thống trên mạng và phát hiện, nhận diện các thủ đoạn lừa đảo trên nền tảng số…”, ông Ánh thông tin.  

Quỳnh Nga