Theo báo cáo về Chỉ số chấp nhận tiền điện tử toàn cầu (GCAI) 2022 của công ty phân tích thị trường Chainalysis (Mỹ), Việt Nam đang đứng đầu bảng xếp hạng về chỉ số chấp nhận tiền điện tử toàn cầu. 

Vị trí của Việt Nam trong bảng xếp hạng do Chainalysis công bố vượt xa nhiều cường quốc công nghệ trên thế giới như Ấn Độ (vị trí thứ 4), Mỹ (thứ 5, Brazil (thứ 7), Nga (thứ 9) và Trung Quốc (thứ 10). 

Báo cáo của Hội nghị Liên Hiệp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) được công bố mới đây cũng cho thấy, khoảng 6,1% dân số Việt Nam đang sở hữu tiền điện tử. Theo đó, Việt Nam xếp thứ 11 trong top 20 quốc gia có tỷ lệ người dân sở hữu tiền điện tử hàng đầu thế giới. 

Mỗi quốc gia, cá nhân, tổ chức lại có quan niệm hay cách định nghĩa khác nhau. Tuy vậy, dù theo cách hiểu nào, “tiền điện tử”, “tiền số” hay “tiền ảo”... nếu ứng dụng công nghệ Blockchain đều có thể gọi chung là “tiền mã hóa”.

Việt Nam hiện được các bảng xếp hạng quốc tế đánh giá cao về mức độ tiếp cận với tiền mã hóa. Nhiều người Việt biết đến tiền mã hóa, tuy nhiên không phải ai cũng biết đến công nghệ chuỗi khối (Blockchain).

Hiểu theo cách đơn giản nhất, Blockchain là một cuốn sổ cái mở và phân tán thông tin. Công nghệ này sử dụng một mạng lưới máy tính để lưu trữ, thay vì chỉ một hệ thống máy chủ, hay một vài máy chủ phân tán như thông thường.

Theo ông Mai Duy Quang - Phó Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (Vinasa), công nghệ Blockchain đang được sử dụng phổ biến tại nhiều lĩnh vực khác chứ không chỉ tiền ảo. 

“Hồ sơ học sinh, hồ sơ y tế cũng có thể lưu trữ trên Blockchain để tránh bị sửa đổi. Blockchain cũng có thể sử dụng để chứng thực cũng như trong các giao dịch cần bảo chứng và tốc độ”, ông Quang nói. 

Nhiều doanh nghiệp Việt đang phát triển các sản phẩm, dịch vụ mới dựa trên nền tảng công nghệ Blockchain. 

Tại Diễn đàn CTO Summit 2022, ông Vũ Anh Tú - Giám đốc Công nghệ Tập đoàn FPT từng cho biết, công nghệ Blockchain đang mở ra nhiều cơ hội ứng dụng trong thực tế, tạo ra một làn sóng khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo sôi nổi cả thế giới và Việt Nam. 

Nhìn từ định nghĩa Blockchain là cơ chế lưu trữ và quản lý dữ liệu theo cơ chế phi tập trung, với khả năng đảm bảo toàn vẹn thông tin, Blockchain có thể được ứng dụng trong nhiều những ngữ cảnh khác nhau. 

Tiền điện tử có thể được xem là ứng dụng phổ biến nhất của Blockchain, nhưng nó không phải là duy nhất. Với sức ảnh hưởng mang tính đột phá, Blockchain sẽ tạo ra cơn sóng thần công nghệ phủ lên toàn bộ các lĩnh vực ngành nghề từ truyền thống cho đến các ứng dụng mới.

Tại Việt Nam, Chính phủ đã giao Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, xây dựng và thí điểm sử dụng tiền ảo dựa trên công nghệ chuỗi khối trong chiến lược phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2021-2025. 

Tuy vậy, để công nghệ Blockchain có thể phát triển và ứng dụng nhiều hơn và thực tế đời sống tại Việt Nam, cần có sự quan tâm, hưởng ứng và cho phép thí điểm từ phía cơ quan quản lý nhà nước trong nhiều lĩnh vực khác chứ không chỉ dừng lại ở “tiền ảo” hay “tiền mã hóa”.

Trọng Đạt