- Chưa từng biết nhau nhưng có nhiều điểm chung: bị oan trong vụ án giết người, phải ngồi tù một thời gian dài, được xin lỗi, bồi thường oan sai… Lần đầu tiên, hai người tù thế kỷ đã gặp nhau tại Hà Nội.

Cuộc gặp gỡ, giao lưu trực tiếp giữa hai ông Huỳnh Văn Nén và Nguyễn Thanh Chấn do báo điện tử Pháp luật Plus tổ chức chiều ngày 22/12.

Nhiều điểm chung

Hai “người tù thế kỷ” này có nhiều điểm chung: Cùng phạm tội giết người, cùng bị tuyên án tử hình, nhưng đều được ân giảm xuống án chung thân, bởi: Ông Chấn là con duy nhất của liệt sĩ. Ông Nén đã khai báo giúp công an tìm được thủ phạm giết bà Dương Thị Mỹ - vụ án mà công an Bình Thuận đã bế tắc suốt 5 năm.

{keywords}
Hai người tù thế kỷ Nguyễn Thanh Chấn và Huỳnh Văn Nén.

Tìm ra thủ phạm cả hai vụ giết người đều không phải công an.

Vụ giết chị Nguyễn Thị Hoan, thủ phạm là Lý Nguyễn Chung, người tìm ra thủ phạm chính là vợ ông Chấn.

Vụ giết bà Lê Thị Bông thủ phạm chính là Nguyễn Thọ, người tố giác là anh Nguyễn Phúc Thành.

Nhờ sự kiên trì của vợ ông Chấn, của ông Huỳnh Văn Truyện và ông Nguyễn Thận - nguyên Chủ tịch UBND thị trấn Tân Minh… hai vụ án oan đã dần dần được các cơ quan tố tụng ở trung ương làm sáng tỏ.

Cùng cảnh ngộ nên dường như “hai người tù thế kỷ” dễ chia sẻ, tâm sự và dành cho nhau nhiều tình cảm, cảm xúc.

Ông Nguyễn Thanh Chấn nói: "Tôi rất vui mừng được gặp anh Nén. Chỉ muốn ngồi cạnh nhau để hàn huyên câu chuyện về những năm tháng khổ đau mà tôi và anh Nén nếm trải".

Ông Huỳnh Văn Nén: "Tôi mừng rơi nước mắt khi được gặp anh Chấn".

Mong cuộc sống bình thường

{keywords}
Ông Nguyễn Thanh Chấn.

Trước câu hỏi: “Hai ông mong muốn điều gì nhất?”, ông Nguyễn Thanh Chấn cho biết: Tôi chỉ mong được sống cuộc sống bình thường. Về nhà chăn gà, chăn vịt, nuôi bò, chăm lo đồng áng cùng phụ giúp cho vợ tôi và các con tôi. Tôi chỉ mong sức khoẻ của vợ tôi (bà Nguyễn Thị Chiến - PV) được hồi phục ổn định. Hầu như tháng nào, tuần nào kể từ khi tôi được về nhà, vợ tôi thường phải vào viện điều trị. Thế nên, tôi chỉ muốn sống bình dị với gia đình thôi chứ không mơ ước gì to lớn cả.

Ông Huỳnh Văn Nén: Tôi tiếc nuối việc mẹ tôi ra đi sau rất nhiều năm chờ đợi tôi trong khổ đau. Tôi thương vợ tôi, một mình làm lụng, chăm lo cho 3 đứa con. Tôi muốn được đoàn tụ với gia đình để chung tay chăm lo cho các con tôi.

Chưa hết ân hận

Một bạn đọc hỏi: Điều mà ông Nén bây giờ còn vương vấn sau khi được minh oan là gì?

Ông Huỳnh Văn Nén: Điều khiến cho tôi đến giờ phút này vẫn chưa hết ân hận là thời điểm bị cán bộ điều tra bức cung, dùng nhục hình, tôi đã buộc phải khai không đúng sự thật, rằng các anh chị em bên nhà vợ là đồng phạm với tôi trong việc giết người. Mặc dù không cố tình nhưng chính tôi đã đẩy các anh chị em của mình vào tù, chị hai của vợ tôi đã phải qua đời sớm vì đổ bệnh âu cũng là vì nỗi khổ của tôi lan sang.

Câu hỏi, liên quan đến oan sai của 2 ông, đến thời điểm này gia đình ông có đề xuất, đề nghị ý kiến lên cơ quan chức năng nhà nước hay không?

Ông Huỳnh Văn Nén: Tôi đã đề nghị cơ quan pháp luật làm đúng theo quy định của Nhà nước. Ngoài ra, điều làm tôi hài lòng và xúc động nhất là việc cơ quan chức năng đã có một buổi tổ chức xin lỗi công khai đối với nỗi oan của tôi, điều này làm không chỉ tôi mà còn rất nhiều người dân, quý vị độc giả trên mọi miền tổ quốc quan tâm đến vụ án này hoàn toàn khuất phục.

Ông Nguyễn Thanh Chấn: Tôi đã được bồi thường và trả tự do, chỉ mong cơ quan chức năng sớm giải quyết những quyền lợi mà anh Nén và những người oan sai gặp phải. Xin cảm ơn Nhà nước và các cơ quan cấp cao đã giải oan cho tôi trong vụ tôi bị oan 10 năm.

Hai ông Nguyễn Thanh Chấn, Huỳnh Văn Nén cùng khẳng định: "Hai chúng tôi là những người hạnh phúc nhất tại thời điểm này, và bây giờ chỉ muốn ngồi với nhau hàn huyên thôi".

Cần thường xuyên rà soát các vụ kêu oan

LS Trần Vũ Hải, khách mời trong cuộc giao lưu, nói: Cuộc gặp gỡ này rất thú vị, vì nó làm chúng ta nhớ lại những vụ án oan nổi cộm ở cả hai miền Nam-Bắc. Năm 2004, ông Nguyễn Thanh Chấn bị xử sơ thẩm và phúc thẩm với án chung thân.

Cũng năm 2004 và 2005, vụ án vườn điều được xét xử sơ thẩm và phúc thẩm lần hai, đến phúc thẩm Tòa yêu cầu trả lại hồ sơ cho cơ quan điều tra. Cuối năm 2005, 9 người trong vụ án vườn điều trong đó có Huỳnh Văn Nén được giải oan. Lẽ ra, nhân vụ án vườn điều, các cơ quan pháp luật cần rà soát lại các vụ án bị kêu oan như vụ án Nguyễn Thanh Chấn. Đáng tiếc chưa có việc như vậy vào năm 2005, năm 2006.

Mãi đến năm 2013, khi ông Nguyễn Thanh Chấn được giải oan, nhiều vụ án có dấu hiệu oan sai đã được rà soát lại, trong đó có vụ ông Nén, đến thời điểm này như mọi người đã biết: "ông Nén chính thức được giải oan".

Hai vụ này nhắc các cơ quan pháp luật ở Trung ương cần thường xuyên rà soát lại các vụ án mà người thân và người bị kết oán kêu oan và tạo điều kiện cho các luật sư giúp họ kêu oan, trả lời thỏa đáng cho những thắc mắc của những người kêu oan, trả lời đầy đủ những kiến nghị của các luật sư. Nếu thấy lập luận của người kêu oan và của luật sư có cơ sở, cần kháng nghị các bản án để xét xử, điều tra lại.

Ông Nguyễn Thanh Chấn: Cảm xúc của tôi khi được gặp người cùng chung cảnh ngộ với mình hôm nay là rất vui mừng, xúc động. Suốt quãng thời gian dài đằng đẵng chốn lao tù khổ cực, tôi chưa bao giờ nghĩ rằng lại có được những phút giây hạnh phúc và đáng tự hào như thế này... Hôm nay sẽ là cơ hội để tôi gặp người bạn cùng chung cảnh ngộ, chia sẻ nỗi đau, nỗi mất mát của mình”.

Ông Huỳnh Văn Nén: “Bản thân tôi không nghĩ rằng, có một ngày nào đó tôi được trở về với gia đình, xã hội lại được có được cuộc sống bình thường như thế này. Vì bản thân lúc trong tù khi mang hàm oan giết người, cuộc sống của tôi như rơi vào tuyệt vọng, hố đen, tôi không hy vọng ngày nào đó có thể bản thân mình được giải oan, nhưng điều thần kỳ đã xảy ra với bản thân tôi. Tôi hạnh phúc vô cùng!

Kiên Trung (lược ghi)