Ngày 5/4, tại cuộc họp giao ban báo chí thường kỳ, đại diện Sở GTVT và các cơ quan chức năng của TP Hải Phòng đã dành đa số thời gian để thông tin và trả lời các phản biện từ các cơ quan báo chí xoay quanh chính sách xử phạt các phương tiện dừng, đỗ tại 100 tuyến đường nội đô.
Phản ứng sau chính sách cấm đỗ xe
Từ ngày 1/4, Công an, Thanh tra giao thông TP Hải Phòng tổ chức ra quân xử lý các xe vi phạm, với mục đích nâng cao ý thức người tham gia giao thông, kiên quyết ngăn chặn tình trạng đỗ, dừng xe tại hàng loạt tuyến đường trung tâm.
Đây là một bước hiện thực hóa văn bản 578/UBND-GT do Chủ tịch UBND TP, Trưởng Ban ATGT TP Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng ban hành.
Theo nội dung văn bản 578, hiện nay, việc đỗ xe ô tô trên địa bàn thành phố có diễn biến phức tạp. Trong những năm gần đây, số lượng ô tô tăng trung bình từ 8 - 10%/năm. Trong khi đó, các bãi, điểm đỗ xe tạm thời chỉ đáp ứng được nhu cầu rất nhỏ của người tham gia giao thông.
Qua khảo sát, tại các đường trung tâm xảy ra tình trạng chiếm dụng lòng đường, vỉa hè để đỗ xe ô tô, ước tính có hàng nghìn trường hợp vi phạm mỗi ngày.
Chủ tịch UBND TP Hải Phòng đề nghị các cơ quan chức năng liên quan tăng cường xử phạt ở mức tối đa hành vi vi phạm trên, quyết liệt từ ngày 1/4.
Thành phố cũng khuyến khích và hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục để các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng bãi đỗ xe và cải tạo các công trình hiện có thành bãi đỗ xe.
Tuy nhiên, chính sách xử phạt trên đã vấp phải các ý kiến trái chiều của người dân. Ngoài phản ứng của người đi xe ô tô thì các hộ kinh doanh dịch vụ bám các đường trung tâm cũng tỏ ra hoang mang.
Các nhà báo đã chuyển tải ý kiến của người dân tới buổi giao ban báo chí, đồng thời nêu quan điểm thành phố muốn cấm đỗ xe ở lề đường thì cần bố trí điểm đỗ xe cho nhân dân. Cấm mà không có chỗ đỗ thay thế khiến người dân gặp khó khăn khi vào trung tâm thực hiện các hoạt động.
Nhiều nhà báo đã kiến nghị TP Hải Phòng học tập hình thức cho đỗ xe có thu phí để tăng ngân sách như Hà Nội, TP.HCM và các địa phương khác đang thực hiện.
Thiếu bãi đỗ xe nhưng chính quyền vẫn quyết xử phạt
Nêu ý kiến phản hồi, Phó Giám đốc Sở GTVT TP Hải Phòng Nguyễn Minh Tuấn cho biết, việc xử phạt hành vi đỗ xe ở 100 tuyến đường trung tâm là chính sách không mới. Lâu nay, ngành giao thông đã cắm biển cấm đỗ, cấm dừng ở các đường này nhưng nhân dân chưa chấp hành, bây giờ chỉ là tiếp tục thực hiện chủ trương đó. Đây là việc cần thiết để đảm bảo an toàn giao thông, lập lại kỷ cương, tạo thông thoáng cho khu vực đô thị.
Về kiến nghị cho đỗ xe có thu phí, ông Tuấn hứa sẽ tiếp thu và báo cáo lãnh đạo cấp trên để xem xét.
Ông Tuấn thừa nhận, mấy ngày qua việc xử phạt ô tô đỗ ở lề đường đã khiến người tham gia giao thông đưa xe lên vỉa hè đỗ. Về câu hỏi "Không cho đỗ xe ở các tuyến phố nội đô thì người dân mang xe đi đâu đỗ cho đúng luật?", ông Tuấn chưa thể trả lời hay đưa ra giải pháp nào gỡ khó cho người dân.
Tối nay, trao đổi với PV VietNamNet, ông Vũ Đức Tâm (60 tuổi, trú tại quận Ngô Quyền) nêu ý kiến: “Chính sách là đúng nhưng không phù hợp với tập tục sinh hoạt và các hoạt động sinh nhai của nhân dân Hải Phòng trong bối cảnh hiện nay.
Người dân lên phố uống cà phê, ngắm cảnh và tới các đơn vị nhà nước… chưa bao giờ thấy áp lực như thế này. Không được đỗ ô tô bên đường, người dân chúng tôi chỉ có cách bán xe rồi đi xe ôm”.
Bà Trần Thị Len (41 tuổi, trú tại quận Lê Chân) phản ánh: “Tôi lái xe lên Sở Kế hoạch và Đầu tư làm đăng ký kinh doanh. Khuôn viên sở chật, không có chỗ cho người đến liên hệ công tác, tôi mang xe ra bên ngoài đỗ thì sợ bị xử phạt.
Chạy quanh gần 2km, tôi cũng không tìm được điểm đỗ để quay lại sở. Thế là đành đi về, ngày mai tôi sẽ bắt xe ôm lên đó làm thủ tục vậy”.
Trong khi đó, bà Vũ Thu Phương (38 tuổi, chủ nhà hàng trên đường Trần Phú) chia sẻ: “Chúng tôi mới bỏ ra số tiền lớn để thuê mặt bằng kinh doanh. Giờ cấm người dân đỗ xe, ai đến nhà tôi ăn nữa.
Tôi tìm khắp khu vực lân cận chừng 1km, mong có bãi đỗ xe tĩnh để nhà hàng chi tiền cho khách đỗ, rồi dùng xe đưa đón nhưng cũng không có”.
Theo bà Phương, thành phố cần có lộ trình trong việc triển khai kế hoạch trên để phù hợp với thực tế. Nếu chỉ cấm mà không giải quyết nhu cầu dừng, đỗ xe của người dân, trái với thực tiễn xã hội thì chính sách sẽ khó bền vững.