Ngày 23/11, kết luận hội nghị lần thứ 10, Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng yêu cầu đơn vị liên quan hoàn thành điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Bí thư Thành uỷ Hà Nội lưu ý quy hoạch xây dựng Thủ đô Hà Nội cần theo hướng văn hiến, văn minh, hiện đại, giữ được văn hóa nông thôn Bắc Bộ gắn với làng nghề, di tích văn hóa, lịch sử…

Về nhiệm vụ điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, trong tương lai Thủ đô sẽ phát triển 2 thành phố trực thuộc ở phía Bắc sông Hồng (huyện Mê Linh - Sóc Sơn - Đông Anh) và phía Tây Hà Nội (Hòa Lạc - Xuân Mai).

Theo Bí thư Thành uỷ Hà Nội, hai thành phố trên sẽ là tiền đề để phát triển kinh tế - xã hội đối với các khu vực phía Bắc và phía Tây của Hà Nội.

Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: Tuấn Anh.

Ông Đinh Tiến Dũng cũng lưu ý các đơn vị cần quan tâm phát triển các huyện phía Nam, vùng xa, giáp ranh với các tỉnh khác như: Phú Xuyên, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Ba Vì. Việc phát triển như vậy nhằm tránh hình thành các vùng trũng về phát triển của thành phố.

Trước đó, báo cáo tại hội nghị, ông Dương Đức Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, mục tiêu điều chỉnh quy hoạch để Hà Nội phát triển thành đô thị hiện đại, thông minh, dẫn dắt và tạo hiệu ứng lan tỏa, liên kết vùng đô thị.

Cùng với đó, TP Hà Nội sẽ thực hiện đồng bộ các chính sách giải nén, giảm tải cho đô thị, đưa người dân ra các đô thị xung quanh, thúc đẩy phát triển các đô thị vệ tinh, mô hình thành phố trực thuộc thành phố.

Việc điều chỉnh quy hoạch còn nhằm quản lý chặt chẽ việc phát triển nhà ở cao tầng tại khu vực trung tâm.

Về mặt không gian đô thị, ông Dương Đức Tuấn cho biết, Hà Nội định hướng các trục đô thị chính ở khu vực nội đô, vùng ven và các thành phố trực thuộc tại các huyện phía Tây, phía Bắc.

Cụ thể, Hà Nội sẽ lấy sông Hồng là trục xanh, cảnh quan trung tâm với thiết kế đô thị hài hoà hai bên sông. Dọc đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô sẽ thiết lập trục đô thị vùng ven.

Cùng với đó, Hà Nội cũng tính đến xây dựng mô hình thành phố trực thuộc Thủ đô tại các huyện phía Bắc (vùng Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn) và phía Tây (vùng Hòa Lạc, Xuân Mai).

Thành phố Hà Nội cũng định hướng các giải pháp chiến lược để khắc phục các tồn tại, bất cập về quá tải về hệ thống hạ tầng kỹ thuật, tắc nghẽn giao thông, phát triển hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội chất lượng cao, xử lý các vấn đề môi trường.

Trước đó, tại buổi tiếp xúc cử tri quận Hoàng Mai, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, thành phố ở phía Bắc sông Hồng sẽ là thành phố dịch vụ, hội nhập quốc tế. Hà Nội lấy sân bay Nội Bài là trung tâm phát triển của thành phố này.

Hà Nội sẽ dựa vào hạ tầng của khu Hoà Lạc - Xuân Mai để phát triển thành phố phía Tây mạnh về khoa học công nghệ và giáo dục.