Trao đổi với PV VietNamNet, ông Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Hà Nội cho rằng, việc xây dựng 2 thành phố mới trong lòng Hà Nội là bước đi phù hợp, nhằm giảm tải cho các quận nội thành hiện nay.

Hà Nội vừa đưa ra kế hoạch xây dựng 2 thành phố mới nhằm giảm áp lực về dân số, hạ tầng giao thông và xã hội cho các quận nội thành. Theo ông, mô hình thành phố trong lòng thành phố như ở Hà Nội có phù hợp hay không?

Ông Đào Ngọc Nghiêm: Từ năm 2016, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa ra mô hình thành phố trong lòng thành phố trực thuộc Trung ương. Theo đó, TP Thủ Đức (TP.HCM) là thành phố đầu tiên của cả nước hoạt động theo mô hình này.

Do vậy, việc TP Hà Nội định hướng quy hoạch thêm 2 thành phố ở khu vực phía Bắc và phía Tây là xu thế tất yếu. Thực tế, từ quy hoạch năm 1998, rồi đến quy hoạch chung Thủ đô năm 2011 cũng đã đề cập đến vấn đề này.

TP Hà Nội đang có tốc độ đô thị hóa nhanh, trong đó đặt mục tiêu đưa 5 huyện (Đông Anh, Gia Lâm, Hoài Đức, Thanh Trì, Đan Phượng) theo lộ trình lên quận vào năm 2025. Căn cứ vào đó cho thấy, Hà Nội sẽ tập trung nguồn lực để các huyện này đảm bảo các tiêu chí của cấp quận trong 3 năm tới.

Hà Nội dự kiến lập 2 thành phố mới ở phía Bắc và phía Tây để giảm áp lực cho các quận nội thành. Ảnh: Hoàng Hà.

Nhìn từ thực tiễn thành lập TP Thủ Đức ở TP.HCM, việc thành lập 2 thành phố ở Hà Nội cần  định hướng thế nào, thưa ông?

- Theo tôi, mô hình TP Thủ Đức còn nhiều tồn tại nên chưa tạo được lực đẩy cho thành phố 1,2 triệu dân. Vai trò thành phố trong lòng thành phố rất khác so với một quận. Tôi được biết, TP.HCM đang xin cơ chế đặc thù để tạo nguồn lực, cơ chế cho TP Thủ Đức phát huy hết tiềm năng, lợi thế.

Việc Hà Nội định hướng quy hoạch xây dựng 2 thành phố mới là điều tôi hoàn toàn ủng hộ. Ngay cả trước đây kế hoạch xây dựng 5 khu đô thị vệ tinh ở các huyện ngoại thành cũng là chủ trương hoàn toàn đúng đắn.

Tuy nhiên, từ bài học của TP Thủ Đức (TP.HCM), Hà Nội cần nhìn ra vấn đề để định hướng phát triển 2 thành phố trong tương lai một cách cụ thể hơn. Nếu không có sự chuẩn bị bài bản thì sau này lại sẽ xuất hiện những điểm nghẽn, cản trở sự phát triển của thành phố.

Xây dựng thành phố ở khu vực Hòa Lạc là một định hướng đột phá và khả thi

Theo ông, TP Hà Nội cần chuẩn bị những gì để xây dựng các thành phố mới?

- Đầu tiên đó là nguồn lực để đầu tư, xây dựng 2 thành phố trong tương lai lấy từ đâu, ngân sách nhà nước đảm bảo bao nhiêu phần trăm và xã hội hóa ở những khâu nào? Dự kiến phân cấp, phân quyền cho hai thành phố này những gì để không lặp lại những vấn đề của TP Thủ Đức?

Thực tế từ khi Hà Nội mở rộng, Hà Đông từ thành phố lại trở thành một quận, còn Sơn Tây từ một thành phố trở thành thị xã. Điều này đã gây ra rất nhiều ý kiến trái chiều. Do vậy, để mọi quyết sách phù hợp với điều kiện thực tiễn, TP Hà Nội cũng cần lấy ý kiến nhân dân, chuyên gia, nhà khoa học để hoàn thiện mô hình hoạt động của thành phố mới.

Bên cạnh đó, những cơ chế đặc thù cho 2 thành phố mới của Hà Nội nên được nghiên cứu, lồng ghép ngay trong quá trình sửa Luật Thủ đô lần này.

Hà Nội dự kiến chọn một thành phố phía Bắc sông Hồng, lấy sân bay Nội Bài là trung tâm phát triển, còn thành phố ở phía Tây, dựa vào khu vực Hoà Lạc để lấy khoa học, giáo dục làm động lực phát triển. Cá nhân ông thấy các phương án đó có khả thi hay không?

- Từ những năm 1998, chính quyền TP Hà Nội đã nêu mong muốn xây dựng thành phố khoa học công nghệ, giáo dục ở khu vực Hòa Lạc và Xuân Mai. Đến nay, Hà Nội đặt vấn đề xây dựng thành phố ở khu vực Hòa Lạc là một định hướng đột phá và khả thi, vì chính sách thành phố trong lòng thành phố đã có. Khu công nghệ cao Hòa Lạc và Đại học Quốc gia đã được đầu tư xây dựng.

Về thành phố phía Bắc sông Hồng, khu vực Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn, Hà Nội cần cân nhắc mô hình xây dựng, bởi hiện đang có định hướng đưa các huyện ở đây lên quận.

Trước đó, tại buổi tiếp xúc cử tri quận Hoàng Mai hồi giữa tháng 10, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, kế hoạch xây dựng thêm 2 thành phố trực thuộc Thủ đô Hà Nội.

Theo đó, thành phố ở phía Bắc sông Hồng, gồm huyện Mê Linh, Đông Anh và Sóc Sơn. Đây sẽ là thành phố dịch vụ, hội nhập quốc tế. Hà Nội lấy sân bay Nội Bài là trung tâm phát triển của thành phố này.

Thành phố thứ hai trong lòng Thủ đô Hà Nội dự kiến được xây dựng ở phía Tây, khu vực Hòa Lạc hiện nay. Hà Nội định hướng đây sẽ là thành phố khoa học công nghệ và giáo dục - đào tạo.