Nếu nhìn vào việc quản lý TP HCM như lâu nay, liệu viễn cảnh hết ngập lụt bao giờ thành hiện thực?
Có thể nói quy hoạch đô thị ở Sài Gòn đã bị phá vỡ cùng nhiều thành phố khác từ lúc chính quyền được về tay nhân dân, nhưng do chưa biết cách quản lý đô thị một cách chặt chẽ, và khoa học. Khi công năng của các bộ máy bị thay đổi mục tiêu do người vận hành thì các Nhà máy Đèn, Nhà máy Nước cũng sụt sịt, rác thải tràn ngập và nước thải bắt đầu có vấn đề: Một cộng đồng cư dân thời chiến đã bị bấn loạn về mọi nhẽ với các cuộc chuyển cư, tản cư, rồi hồi cư…
Nghèo mới “sính” nội thị
Sau năm 1975, người nhập cư tăng vọt và người tái nhập cư nheo nhóc trong các khu ổ chuột. Nhà cửa của người dân ở TP Hồ Chí Minh tùy tiện xen cấy khắp mọi nơi, phá vỡ thông hành địa dịch cũ là chỉ được xây dựng theo một tỉ lệ mặt đất nhất định, phần còn lại là bắt buộc phi kiến tạo. Do đó đất đã trở thành vàng khối, trong bối cảnh quy hoạch tạm bợ, nhiều nơi treo chờ dự án. Những ao chuôm kinh rạch và cây rừng thảm cỏ lưu không đã bị lấp đầy.
Năm 2005, trong một cuộc tiếp đón các nhà đầu tư từ Mỹ về, muốn quy hoạch lại các khu dân cư ven sông Sài Gòn, luật sư Xuân Lee Tân có nói rằng: Trên thế giới này, giá đất đắt nhất thuộc về về các hòn đảo tươi đẹp ngoài biển êm, kế đến là ven biển, ven sông, rồi ven đô. Mạt hạng mới là đất nội thị. Chỉ các nước nghèo nàn lạc hậu, chậm phát triển, trong đó có VN mới “sính” nội thị.
Vì sao thì ai cũng rõ, cuộc sống rất cần nơi ăn chốn ở sạch sẽ, thoải mái. Cự ly không quan trọng nếu tổ chức tốt giao thông công cộng và đường sá hợp lý. Càng giảm mật độ cư trú nội đô, thì giao thông đô thị càng giảm tải, hệ thống xử lý chất thải sẽ nhẹ nhàng đi biết bao. Huống hồ là ở TP HCM chất đầy vật liệu lên nền đất yếu do truyền thống nhất cận thị, nhị cận giang hay dấu vết của nền văn minh thung lũng lâu đời.
Cảnh khổ sở của người Sài Gòn trong ngập lụt. Ảnh: Như Sỹ - Giang Châu/ VietNamNet |
Để quy hoach đô thị, có ai hiểu cho "hộp đen" ấy khi tư duy quản lý nhà nước thường bỏ qua sự biến động đó, và chưa quan tâm đến việc phân tích nghiêm túc đầu vào lẫn đầu ra ? Từ trận mưa to vừa qua có thể có nhận định hệ thống như thế nào ?
Ở đầu vào, chỉ riêng việc nước, TP cũng không quản lý được nguồn cấp, ngay cả trước trạm bơm chính từ sông Đồng Nai về TP HCM, người ta thản nhiên lấp đi cả chục hec ta dòng chảy. Nhánh cấp nước từ hồ Dầu Tiếng càng nguy hơn khi lòng hồ bị bồi lắng thảm hại do việc phá rừng trồng cao su trên đầu nguồn. Mưa to hơn nữa thì khả năng xả lũ khẩn cấp từ Trị An và Dầu Tiếng buộc phải xảy ra, khả TP ngập lụt hơn nữa là không tránh khỏi.
Trong nội thành, nước ngầm cứ bị chọc hút lén lút dưới bóng đồng tiền “đen”. Nguồn bổ cấp cho cả 03 gương nước ngầm bị đứt đoạn từ trên rừng do việc phá rừng Dak Nông, Bình Phước,…và gây sụt lún khắp mọi nơi qua các hố tử thần. Phía ngoài các nhánh sông cũng bị chọc sâu hút cát để chất tải trở lại lên những vùng đất yếu, tăng thêm áp lực gây sụt/ trụt đất. Bề mặt thì người ta ra sức tráng/ láng xi măng, nhựa đường, qua các công trình hầm ngầm, nhà cửa, đường sá. Nhưng mưa không thấm đất, không có rễ cây lớn dẫn lưu nước mưa xuống nước ngầm, mà chỉ tràn ra đường thì chẳng có hệ thống cống nào đủ sức tải.
Bao giờ hết ngập lụt?
Tuy vậy, cũng cần bàn đến đầu ra. Khi lòng sông đã bị nâng lên do dãn đất từ các việc khoan đóng cọc nhồi cọc ép, cứ nhìn các cột đèn đường nghiêng dần ra ngoài do xe cộ tăng tải thì thấy số phận lòng sông. Đầu ra các cống thoát nước ngày càng thấp hơn mực nước triều, đó là cơ sở để cấp quản lý chống ngập đổ tội cho kịch bản biến đổi khí hậu sai lầm, do triều cường dâng cao ngày càng nhanh..., mà không dám thú nhận là sẽ phải đắp đê bao để bơm nước ra bằng hết công suất. Càng đào hào thoát nước thì nước sông tràn vào càng nhanh và sâu sau mỗi cơn mưa vài giờ.
Chưa kể trong dòng nước cuồn cuộn ấy cuốn theo biết bao nhiêu rác, thứ mà cư dân đô thị nửa vời tự tiện quẳng ra đường, gây nghẽn dòng chảy, bồi lấp lòng cống dẫn và cửa xả. Các hệ thống tự hoại tràn ra theo nước và cùng với sự hôi thối là dịch bệnh. Chỉ cần tính nhẩm mỗi mùa có chục cơn mưa đáng kể, có khoảng 01 triệu phương tiện phải súc rửa toàn diện mỗi lần, chưa kể mất thời gian rồi ốm đau, thì dân chúng TP HCM đã phải tốn kém hàng năm hàng chục ngàn tỉ.
Nên chăng TP cần làm lại từ đầu, liên kết với các tỉnh đầu nguồn gây lại rừng, giữ rừng để tích nước ngầm, chống xói mòn nhất là ven các con sông chi lưu đổ vào Đồng Nai, Sông Bé và sông Sài Gòn để bảo đảm dung tích các hồ chứa, liền với việc nạo vét đáy, xả đáy. Cần thêm những giải pháp hữu hiệu để giải quyết các tệ trạng về quản lý, khai thác cả nước mặt và nước ngầm.
Mạnh dạn hơn nữa là TP cần dãn các trung tâm ra ngoại thành, hướng về phía Bắc còn nhiều tiềm năng để giảm dần mật độ dân số nội thành. Cùng với các giải pháp xanh, phải ngăn việc bao che mặt đất để nước thấm tối đa. Chấm dứt mọi việc khai thác tận thu cát bùn dọc các con sông, cửa sông, cửa biển. Cân nhắc hơn nữa trong việc cho phép thi công trên nền đất yếu ven sông rạch.
Mới đây, người dân TP bất ngờ về thông tin của Trung tâm Chống ngập TP HCM rằng sẽ giải quyết được ngập vào năm 2020 nếu thực hiện dự án 66.820 tỉ đồng [1] và lượng mưa lúc ấy không quá bất thường…
Nhưng nếu nhìn vào việc quản lý TP HCM như lâu nay, liệu viễn cảnh hết ngập lụt bao giờ thành hiện thực?
Đoàn Nam Sinh
------
[1] TP.HCM sẽ hết ngập nếu có thêm... 66.820 tỉ đồng, Thanh niên, 16/09/2015.