Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định đồng hóa nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa Hong Kong và Trung Quốc kể từ ngày 25/9.

Theo South China Morning Post, trước đây hàng hóa sản xuất tại Hong Kong được công nhận là có chất lượng và độ tinh chỉnh cao, do đó luôn được đánh giá vượt trội so với các sản phẩm có xuất xứ từ Trung Quốc đại lục.

Đối mặt với khó khăn lớn do chính sách mới của Mỹ, nhiều doanh nghiệp Hong Kong loay hoay tìm cách duy trì danh tiếng của hàng hóa thành phố tại thị trường xuất khẩu.

{keywords}
Hàng hóa được sản xuất tại Hong Kong sẽ bị dán mác "Made in China" khi vào Mỹ. Ảnh: SCMP.

Ông Simon Wong Ka-wo, Chủ tịch Hội đồng Phát triển Thương hiệu Hong Kong, cho biết: "Nhiều khách hàng Mỹ chỉ chấp nhập hàng hóa sản xuất tại Hong Kong. Hàng Hong Kong được công nhận không chỉ ở Mỹ mà cả châu Âu và Australia". Ông nói các khách hàng này từ chối sản phẩm "Made in China".

Nhiều công ty Hong Kong phải thay đổi chiến lược để phù hợp với tiêu chuẩn nhập khẩu của Mỹ. Ông Wong, chủ tịch hãng xuất đồ uống Kampery Group, kể: "Chúng tôi phải thiết kế lại bao bì và xúc tiến một số chương trình khuyến mãi tại thị trường Mỹ. Ngoài ra, công ty đang xem xét thiết lập một dây chuyền sản xuất riêng để phục vụ thị trường Bắc Mỹ”.

Một số doanh nghiệp khác thay đổi nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm để tránh mác "Made in China". Đại diện hãng trang sức đá quý Chow Tai Fook tiết lộ: “Công ty có mạng lưới sản xuất tại Trung Quốc đại lục, châu Á và Mỹ. Ngoài ra, chúng tôi có các đối tác cung cấp ở Đông Nam Á chuyên sản xuất cho thị trường Mỹ. Vì vậy, chính sách mới của Mỹ không tác động quá lớn đến chúng tôi".

Theo ông George Leung Siu-kay, Giám đốc điều hành Phòng Thương mại Hong Kong, trước mắt các công ty Hong Kong có thể dựa vào đối tác nhập khẩu tại Mỹ để làm rõ nguồn gốc sản phẩm.

“Tuy nhiên về lâu dài, các công ty Hong Kong cần phải có kế hoạch phù hợp với tình hình mới để đối phó với những bất ổn ngày càng tăng", ông Leung nhấn mạnh.

Xuất khẩu của Hong Kong sang Mỹ đạt 471 triệu USD Mỹ hồi năm 2019, tương đương 0,1% tổng kim ngạch xuất khẩu của thành phố. Theo Reuters, Hong Kong đang tham khảo các quy tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) để thương thảo lại với Mỹ về dán nhãn xuất xứ hàng hóa.

(Theo Zing)