Công an quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội đã triệt phá cùng lúc 2 đường dây chuyên lừa đảo chiếm đoạt tiền của người lao động đi xin việc, bắt giữ 4 giám đốc công ty chuyên lừa đảo người lao động có nhu cầu tìm kiếm việc làm, tất cả các công ty này đều có trụ sở nằm trên tuyến đường Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm.

Cơ sở để cơ quan điều tra Công an quận Bắc Từ Liêm vào cuộc điều tra, bóc gỡ thành công 2 đường dây liên kết lừa đảo trên chính là từ lá đơn trình báo của anh Đặng Chí H., trú tại Năm Căn, Cà Mau, hiện đang là sinh viên Trường Đại học Thành Tây, phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông vào ngày 22/5.

Theo đơn trình báo của anh H., qua thông tin quảng cáo trên mạng, anh được biết Công ty Bình An, địa chỉ số 279A, đường Phạm Văn Đồng, phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm tuyển lái xe và nhân viên bán hàng tại các cây xăng trên địa bàn Hà Nội nên đã tìm đến công ty này để xin việc làm.

Khi đến nộp hồ sơ, nhân viên công ty này đã thu của anh 500 ngàn đồng là tiền phí bắt buộc để làm hồ sơ, và yêu cầu anh phải đặt cọc 4 triệu đồng. Nộp tiền xong, anh H. được Công ty Bình An viết giấy giới thiệu đến Công ty Thăng Long để phỏng vấn và nhận việc.

Tại công ty này, anh H. tiếp tục bị yêu cầu đóng 300 ngàn đồng tiền phí phỏng vấn. Tuy nhiên, sau khi phỏng vấn xin việc tại Công ty Thăng Long không đạt, anh H. đã trở về Công ty (môi giới) Bình An để đòi lại tiền đặt cọc, nhưng công ty này bảo chờ để tìm công việc phù hợp sẽ thông báo sau.

Sau một thời gian dài chờ đợi, vẫn không thấy một công ty nào gọi đi làm, nên anh H. đã đến Công ty Bình An đòi tiền đặt cọc, nhưng không được. Nghĩ là mình bị lừa, anh H. đã làm đơn tố cáo tới cơ quan điều tra Công an quận Bắc Từ Liêm đề nghị can thiệp.

Từ đơn trình báo của anh H., Công an quận Bắc Từ Liêm đã triệu tập 2 vị giám đốc Công ty Bình An và Công ty Thăng Long cùng các nhân viên của 2 công ty này đến trụ sở để xác minh, làm rõ.

{keywords}

Trương Thị Thị (bìa phải) và các đối tượng liên quan.


Tại cơ quan Công an, Nguyễn Văn Hùng đã phải khai nhận, biết công ty mình không thể xin được việc làm cho người lao động, nhưng để thực hiện kế hoạch lừa đảo, ngay từ đầu, Hùng đã cho nhân viên đăng tin tuyển dụng lao động trên mạng Internet với mức lương cao nhằm thu hút nhiều người có nhu cầu tìm việc làm đến liên hệ, nộp hồ sơ.

Đối với mỗi hồ sơ xin việc của người lao động, công ty của Hùng sẽ thu 500 ngàn đồng tiền phí làm hồ sơ và bắt người lao động đặt cọc từ 1-5 triệu đồng với mục đích để chiếm đoạt tiền phí và tiền đặt cọc của họ và lấy tiền đó là nguồn thu để nuôi công ty của mình.

Gần 9 tháng, tính từ thời điểm thành lập tới khi bị cơ quan điều tra “sờ gáy”, nguồn thu từ việc lừa đảo này đã lên tới 600 triệu đồng.

Nguyễn Văn Hùng khai, nếu chỉ hoạt động độc lập thì kế hoạch lừa đảo sẽ nhanh chóng bị người lao động phát giác, khó có thể “nuốt trôi” được tiền của các nạn nhân, nên Hùng đã bàn bạc với Trương Thị Thị lập một công ty có chức năng tuyển dụng lao động nhằm liên kết với công ty môi giới việc làm của Hùng để cùng hợp tác kiếm tiền.

Hùng thỏa thuận với Thị, người xin việc đến công ty của Hùng sẽ được giới thiệu sang công ty của Thị để phỏng vấn, và công ty của Thị sẽ thu tiếp 200 ngàn đồng tiền phí phỏng vấn. Cả Hùng và Thị đều hiểu rõ việc phỏng vấn này chỉ là thủ đoạn để Hùng và Thị che giấu hành vi lừa đảo của mình.

Điều tra nhân thân của Trương Thị Thị, cơ quan điều tra nắm được Thị mới chỉ học hết lớp 7, chẳng hiểu biết gì về nghề lái xe, nhân viên bán xăng nhưng Thị lại là người trực tiếp phỏng vấn các cử nhân kinh tế, lái xe nhiều kinh nghiệm. Sau khoảng 8 tháng hoạt động bằng thủ đoạn lừa đảo trên đã đem về cho công ty của Thị tới trên 300 triệu đồng.

Sau đơn trình báo của anh H, cơ quan CSĐT Công an quận Bắc Từ Liêm còn nhận được đơn trình báo của 11 bị hại khác. Qua đó, cơ quan CSĐT Công an quận Bắc Từ Liêm đã tiếp tục phát hiện thêm một đường dây lừa đảo người lao động đi xin việc làm nữa cũng có cùng thủ đoạn “liên kết” lừa đảo như trên, đó là Công ty TNHH Phát triển đầu tư thương mại Hoàng Trọng do Bùi Văn Thái làm Giám đốc và Công ty TNHH Đầu tư phát triển thương mại Nam Long do Nguyễn Quang Thắng thành lập.

Hai công ty này mới bắt đầu hoạt động trong thời gian ngắn, từ tháng 3/2015 đến nay, nhưng số tiền 2 công ty này đã lừa đảo, chiếm đoạt của các nạn nhân đến xin việc cũng ngót nghét lên đến gần 100 triệu đồng.

Căn cứ trên kết quả điều tra sơ bộ, tổng số tiền 4 công ty trên đã lừa đảo chiếm đoạt của các nạn nhân tới đăng ký xin việc lên tới trên 1 tỷ đồng, điều đó đồng nghĩa số nạn nhân rơi vào cạm bẫy của 2 đường dây lừa đảo này không dưới con số hàng trăm bị hại. Vì vậy, cơ quan điều tra tiếp tục thông báo ai là nạn nhân của 2 đường dây lừa đảo nói trên nhanh chóng liên lạc tới Công an quận Bắc Từ Liêm để hỗ trợ cơ quan điều tra, xác minh làm rõ.

Đánh giá về thủ đoạn tinh vi của 2 đường dây lừa đảo dưới hình thức xin việc làm này, Thiếu tá Lê Đức Hùng, Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Công an quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội cho biết, đơn vị đã rất vất vả đấu tranh để xâu chuỗi, chứng minh được mối dây liên kết được thiết lập theo kiểu “mô hình khép kín” của 2 đường dây lừa đảo trên. Những người đang có nhu cầu tìm việc làm, nhất là sinh viên sẽ không thể ngờ rằng mình đã bị bọn chúng “dắt mũi”, lừa đảo suốt một thời gian dài.

Với mỗi vụ trót lọt, các đối tượng đút túi trung bình từ 4-5 triệu đồng, còn người lao động thì bị bọn chúng gieo hy vọng ảo, mòn mỏi chờ tin trúng tuyển mà không được. Cuối cùng, “tiền mất, tật mang” việc không tìm được, tiền cũng bị mất trắng.

(Theo CAND)