Tại hai địa phương tập trung nhiều khu công nghiệp của cả nước là Bình Dương và Đồng Nai, ngay từ cuối tháng 10 đầu tháng 11, rất nhiều doanh nghiệp thông báo tuyển dụng lao động với số lượng lên đến hàng chục ngàn người.
Tại các khu công nghiệp VSIP 1 (TP Thuận An), KCN Mỹ Phước 3 (thị xã Bến Cát), KCN Đồng An 2, KCN Đại Đăng (TP Thủ Dầu Một), KCN Biên Hòa 1,2, KCN Amata (TP Biên Hòa, Đồng Nai), KCN Bàu Xéo (huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai)…., hầu hết các doanh nghiệp sản xuất đều thông báo tuyển dụng lao động phổ thông với số lượng từ vài trăm đến hàng ngàn người.
|
||
` |
Tại Công ty Kỹ nghệ gỗ Wanek (thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương), đơn vị tuyển dụng treo biển tuyển dụng 300 công nhân sản xuất, DN này đưa ra mức thu nhập hấp dẫn từ 8 triệu đồng đến 17 triệu đồng kèm theo các chế độ đãi ngộ khác. Tuy nhiên, sau một thời gian dài thông báo tuyển dụng, số lượng người lao động đến nộp hồ sơ vẫn rất thưa thớt.
Tương tự, hàng chục doanh nghiệp sản xuất trong lĩnh vực điện tử, may mặc, giày da, chế biến gỗ, bao bì,… cũng đang thiếu hụt lao động, phải “đỏ mắt” chờ người lao động tới nộp hồ sơ.
Thống kê của ngành chức năng tỉnh Bình Dương mới đây cho thấy, hiện đã có trên 85% doanh nghiệp hoạt động trở lại. Thời điểm cuối năm, các doanh nghiệp cũng đang tăng tốc sản xuất để kịp các đơn hàng, do vậy cần số lượng lớn lao động.
Theo tính toán của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương, hiện nay các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đang cần tuyển dụng khoảng 30 – 40.000 lao động để đáp ứng sản xuất.
Ông Huỳnh Văn Chữ - Tổng GĐ Công ty cổ phần bao bì và khoáng sản số 1 (trụ sở tại phường Bình Chuẩn, TP Thuận An) cho biết, sau dịch đơn vị đang cần tuyển số lượng lớn lao động phổ thông với mức thu nhập từ 8 đến 15 triệu/tháng, chưa tính phụ cấp và các khoản hỗ trợ khác.
Theo ông Chữ, mức lương của công nhân tuyển dụng trong thời gian này cao hơn nhiều so với trước đây, nguyên nhân là do DN đang cần gấp lao động trong khi người tìm việc lại không mấy mặn mà. Mặc dù mức đãi ngộ hấp dẫn như vậy nhưng đến nay doanh nghiệp vẫn chưa có đủ số lượng lao động để sản xuất theo kế hoạch.
Nhằm thu hút lao động, DN này đã phải chấp nhận trả lương cao hơn trước đây, hỗ trợ các chi phí đi lại, xăng xe,… cho người lao động. Cùng với đó, doanh nghiệp đã hợp tác với các đơn vị cung ứng lao động trên địa bàn nhưng vẫn không đảm bảo số lượng cần tuyển dụng.
Ông Lê Thanh Trung – Giám đốc Công ty cung ứng lao động Bình Dương 24h cho biết, từ thời điểm tháng 10, đơn vị đã phối hợp với nhiều doanh nghiệp để tuyển dụng lao động. Mặc dù vậy, thực tế hiện nay số lượng lao động vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp vào dịp cuối năm.
Phó GĐ Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Bình Dương Phạm Văn Tuyên cho biết, nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu hụt lao động là do sau dịch, các DN mở rộng sản xuất nhằm cung cấp đủ số lượng hàng hóa bị thiếu hụt do phải tạm dừng hoạt động trong thời gian dịch bệnh, đồng thời sản xuất đơn hàng cho năm 2022.
Bên cạnh đó, trong thời gian dịch bệnh bùng phát, một phần công nhân đang làm việc tại Bình Dương đã về quê chưa trở lại làm việc dẫn đến việc nguồn lao động bị thiếu hụt so với trước đây.
Một trong những nguyên nhân khác là do một số lao động đang còn tâm lý bất an về dịch bệnh nên chưa đồng ý trở lại làm việc. Do tình hình dịch bệnh có xu hướng tăng và do gần đến cuối năm nên lao động các tỉnh e ngại việc di chuyển đến Bình Dương làm việc...
Để khuyến khích người lao động quay trở lại làm việc, UBND tỉnh Bình Dương chỉ đạo các sở, ngành liên quan phối hợp với các tỉnh khu vực Tây Nguyên, Tây Nam Bộ đón người lao động trở lại làm việc.
Khi trở lại làm việc, người lao động sẽ được ưu tiên tiêm vắc xin phòng Covid-19, hỗ trợ công việc cho người lao động có nhu cầu; khuyến khích DN có chính sách tiền lương, các chế độ phúc lợi để hỗ trợ, thu hút người lao động...
Để hỗ trợ DN, ngành chức năng tỉnh Bình Dương đã triển khai việc thu thập việc làm trống, cập nhật thông tin tuyển dụng của DN vào cơ sở dữ liệu cung - cầu lao động qua internet, kết nối trực tuyến người sử dụng lao động với người lao động.
Bên cạnh đó, Bình Dương thiết kế phần mềm chat tìm việc nhanh cũng trên website, mạng xã hội zalo, người lao động có thể nói chuyện trực tuyến với tư vấn viên của trung tâm, sau đó được tư vấn viên kết nối với DN phỏng vấn.
Nhiều địa phương hỗ trợ lao động sau thời gian giãn cách vì covid-19 |
Còn tại Đồng Nai, sàn giao dịch việc làm tỉnh Đồng Nai quý IV năm 2021 vừa diễn ra vào cuối tháng 10 cho thấy, đã có 30 đơn vị đăng ký phỏng vấn tuyển dụng với tổng nhu cầu tuyển dụng trên 11.000 lao động, trong đó lao động phổ thông chiếm trên 98%, bao gồm các lĩnh vực như may mặc, giày da, sản phẩm gỗ, điện tử, bảo hiểm, điện dân dụng…
Cũng tại sàn giao dịch này, có khoảng 360 lượt lao động có nhu cầu tìm việc làm, tìm hiểu thông tin về việc làm và các doanh nghiệp đã tiếp nhận 252 hồ sơ xin việc. Dự kiến, có khoảng 210 lao động xin được việc làm.
Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Nai, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp sau khi khôi phục sản xuất trong tình hình mới khá cao. Trung tâm sẽ tổ chức các sàn việc làm trực tuyến kết nối doanh nghiệp và người lao động. Trong đó, sẽ kết nối với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long để kết nối, hỗ trợ người lao động có nhu cầu trở lại Đồng Nai làm việc.
Trước đó, Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Nai đã triển khai nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ thủ tục cho người lao động hưởng chính sách bảo hiểm thất nghiệp. Chỉ tính riêng trong tháng 11 có 2.901 người nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, lũy kế cả 11 tháng năm 2021, con số này là trên 40 nghìn người. Tính đến ngày 5/12, Đồng Nai đã chi hỗ trợ cho 807.779 người lao động với số tiền gần 2 ngàn tỷ đồng theo Nghị quyết số 116/NQ-CP của Chính phủ về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.
Đa số người lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp là lao động phổ thông, làm việc ở nhiều ngành nghề, lĩnh vực. Nguyên nhân thất nghiệp do doanh nghiệp phá sản, giải thể, thay đổi cơ cấu, người lao động hết hạn hợp đồng lao động, chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn, bị kỷ luật, sa thải…
Vì thế, việc được nhận hỗ trợ một cách thuận lợi đã phần nào giúp họ vượt qua giai đoạn khó khăn để ổn định cuộc sống.
Đàm Xuân An
Hơn 22.000 vị trí việc làm chờ người lao động ở miền Tây
Hơn 22.000 vị trí việc làm như nhân viên kỹ thuật, nhân viên tư vấn tài chính, nhân viên tư vấn bảo hiểm, nhân viên sản xuất, nhân viên bảo trì- vận hành, kỹ sư thủy sản, lao động phổ thông…chờ người lao động ở miền Tây.