Ngày 22/6, Cục Cảnh sát hình sự (C02, Bộ Công an) đã thông tin về vụ án cướp 35 tỷ đồng trên cao tốc TP.HCM - Dầu Giây, 7 người liên quan đã bị bắt giữ điều tra. Vụ án thu hút sự chú ý của dư luận vì kế hoạch gây án táo tợn như cố tình tông xe để tiếp cận nạn nhân, sau đó bắt cóc, dùng vũ lực để khống chế và cướp tài sản.
Ngoài ra, tài sản bị mất lại là tiền điện tử (các đồng crypto như Bitcoin, Ethereum...), có giá trị lớn (quy đổi khoảng 35 tỷ đồng), bị cướp dễ dàng trong thời gian ngắn bằng giao dịch trực tuyến. Điều này đặt ra câu hỏi về tính an toàn khi đầu tư và lưu trữ tiền điện tử.
Số lượng vụ trộm, cướp tiền điện tử ngày càng tăng
Theo Reuters, các vụ án cướp hoặc trộm cắp tiền điện tử đã tăng nhanh trong năm 2019, khi dòng tiền đổ vào các sàn giao dịch kỹ thuật số ngày càng nhiều hơn. Các đối tượng tội phạm cũng có xu hướng thực hiện các vụ trộm với quy mô lớn hơn.
Cụ thể, thống kê từ công ty phân tích blockchain CipherTrace cho biết những vụ trộm đã làm mất khoảng 4,4 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm 2019, tăng 150% so với mức 1,7 tỷ USD trong cả năm 2018.
Đại diện của CipherTrace cho biết con số trên là những vụ án lớn được ghi nhận, con số thực tế có thể cao hơn rất nhiều. Vì loại hình tiền điện tử rất phức tạp, hành vi trộm cướp của tội phạm cũng tinh vi, khó phát hiện hơn.
"Tội phạm ngày nay rất kiên nhẫn, sẵn sàng dành nhiều thời gian chờ đợi thực hiện một phi vụ hoàn hảo để thực hiện. Cách tẩu tán tiền của chúng cũng rất tinh vi, chỉ chuyển một lượt tiền nhỏ đi để tránh gây sự chú ý", Dave Jevans, CEO của CipherTrace trả lời Reuters.
Tội phạm tiền điện tử ngày nay rất kiên nhẫn, sẵn sàng dành nhiều thời gian chờ đợi một phi vụ hoàn hảo để thực hiện |
Thủ đoạn tinh vi, từ hack sàn giao dịch tới cướp tận nhà
Theo Business Insider, tội phạm trộm, cướp tiền điện tử có quy trình gây án tương đối giống nhau: tấn công lúc người dùng không ngờ tới, lẩn trốn pháp luật trong thời gian dài, rửa tiền và cuối cùng tìm cách quy đổi thành tiền tệ hữu hình để sử dụng.
Nhiều vụ án chấn động với giá trị tài sản bị cướp lên tới hàng triệu USD. Dù ẩn danh, không để lại dấu vết, một số đối tượng vẫn bị bắt sau nhiều năm lẩn trốn.
Theo CextTrace, 2 anh em người Israel đã bị bắt vào ngày 21/6/2019 vì hành vi lừa đảo kéo dài xuyên suốt trong 3 năm, tổn thất của vụ án lên tới 100 triệu USD. Họ bị cáo buộc dụ dỗ các nhà đầu tư vào một trang web giả mạo sàn giao dịch tiền điện tử.
Theo Europol, 6 người sinh sống tại miền Tây nước Anh và thành phố Amsterdam Hà Lan, đã bị bắt vì nghi ngờ liên quan tới đường dây lừa đảo Bitcoin với tổng giá trị khoảng 27 triệu USD.
Nhóm đối tượng đã lừa đảo hơn 4.000 nạn nhân tại 12 quốc gia khác nhau. Họ tạo ra những giao dịch giả và dụ những nạn nhân này tham gia. Cuộc điều tra kéo dài 14 tháng là nỗ lực chung của Đơn vị tội phạm mạng khu vực Tây Nam Anh (SW RCCU), Cơ quan tội phạm quốc gia Anh (NCA) và cảnh sát Hà Lan.
6 cá nhân bị bắt vì đánh cắp token Bitcoin của ít nhất 4.000 nạn nhân. Ảnh: Adam Berry. |
Không sử dụng kỹ thuật hack phức tạp, một số đối tượng theo dõi những người sở hữu tiền điện tử. Sau đó tiến hành bắt cóc, dùng vũ lực ép buộc nạn nhân chuyển tiền tới một tài khoản khác.
Như vụ cướp xảy ra tại Moulsford, Oxfordshire ngày 22/1/2018, một nhóm người đột nhập vào tư gia, dí súng vào đầu và buộc nạn nhân dùng máy tính cá nhân chuyển một lượng tiền Bitcoin vào ví ẩn danh của chúng rồi tẩu thoát.
Vụ án tương tự từng xảy ra vào tháng 1/2018, nạn nhân là một thanh niên người Nga đang đi du lịch tại Phuket, Thái Lan. Anh bị nhóm đối tượng phục kích trong phòng nghỉ khách sạn, bịt mắt và dùng vũ lực bắt anh chuyển một lượng Bitcoin trị giá khoảng 100.000 USD vào tài khoản ẩn danh của chúng.
Hành vi trộm cướp tiền điện tử ngày càng tinh vi và táo tợn hơn, người sở hữu loại hình tiền này nên nâng cao cảnh giác và tăng cường các biện pháp an toàn cho chính mình.
Theo Zing
Trung Quốc đề xuất tiền điện tử chung cho 4 nước châu Á
Cuộc đua chiếm thế thượng phong tiền điện tử đã bước sang giai đoạn mới khi Trung Quốc lập kế hoạch tiền điện tử Đông Á.