Loại quả này được coi là siêu thực phẩm nhờ có hàm lượng cao vitamin B3, beta-caroten, sắt và chất xơ. Trên Amazon, được rao bán dưới dạng bột, giá khoảng 1,5 triệu đồng/kg.
Thương mại điện tử đang mở ra cơ hội. Không chỉ các doanh nghiệp lớn mà ngay cả những nhà bán hàng, doanh nghiệp nhỏ có thể khởi nghiệp, đưa sản phẩm ra thị trường quốc tế.
Ảnh hưởng của đại dịch, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn. Viettime Craft vẫn có đơn hàng xuất khẩu đi quốc tế. Thành lập từ năm 2007, Viettime Craft chuyên sản xuất các sản phẩm thủ công mỹ nghệ như sọt, rá, đồ sơn mài,… Nguyên liệu tự nhiên như lục bình, mây, tre, lá cọ, cỏ biển.
Năm 2015, Viettime Craft có đơn hàng đầu tiên sau 2 tháng kinh doanh trên sàn thương mại điện tử quốc tế Alibaba.com. Nhận thấy tiềm năng xuất khẩu online, doanh nghiệp mở rộng phòng xuất nhập khẩu từ 3 nhân viên lên 20 nhân viên và tài khoản nhà cung cấp vàng năm 2017 để giới thiệu sản phẩm mới.
Bà Hoàng Thanh Tâm, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển sáng tạo Đông Dương, cho biết, từ khi trở thành nhà cung cấp được xác minh, số lượng khách đến cửa hàng từ 20.000 đến 30.000 lượt/tháng và 300 đến 400 yêu cầu nhận hàng mỗi tháng. Những chỉ số này đang gấp 6 lần trung bình ngành hàng trên sàn Alibaba.com. Giá trị giao dịch đạt 5 triệu USD.
Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ DSW thành công đưa hàng hóa sang các thị trường khó tính như: Nhật, Hàn, EU, Trung Quốc, và các thị trường khác tại châu Á.
Bà Trần Thị Yến Phi, Giám đốc Công ty DSW cho hay, sau gần 1 năm hoạt động, doanh nghiệp có được những đơn hàng lớn tại thị trường Châu Á. Trong đó, thành công lớn là mang hàng Việt xuất khẩu sang thị trường mục tiêu Nhật Bản, Trung Quốc. Doanh thu năm 2022 ước đạt 3,5 triệu USD, tăng gấp 3 lần so với năm 2021.
Tháng 3/2022, Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương triển khai gian hàng Việt Nam trên sàn thương mại điện tử Alibaba.com. Theo thống kê, hàng nông sản, thực phẩm, đồ uống là những sản phẩm nằm trong top 10 mặt hàng bán chạy trên sàn thương mại điện tử này. Điểm mạnh của các nhà bán hàng Việt Nam là năng lực sản xuất lớn, danh mục sản phẩm chất lượng, đa dạng, giá cả cạnh tranh và định hướng tăng cường tập trung vào xuất khẩu.
Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (iDEA) và sàn thương mại điện tử Amazon ký kết hợp tác triển khai sáng kiến "Thương mại điện tử xuyên biên giới: Kỷ nguyên bứt phá". Mục tiêu hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực thương mại điện tử xuyên biên giới cho 10.000 doanh nghiệp trong giai đoạn 2022- 2026.
Theo Amazon, năm 2021, gần 7,2 triệu sản phẩm Việt được bán cho các khách hàng khắp thế giới. Ước tính trung bình cứ mỗi phút sẽ có 14 sản phẩm được bán ra trên sàn này.
Tiềm năng
Ông Gijae Seong - Giám đốc điều hành Amazon Global Selling Việt Nam đánh giá: “Nếu coi Thương mại điện tử B2C (doanh nghiệp tới khách hàng) như một ngành hàng xuất khẩu, đây sẽ là ngành xuất khẩu thế mạnh đứng thứ 5 tại Việt Nam trong 5 năm tới”
Ông Andrew Zhengm, Phó Tổng Giám đốc Alibaba.com nhận định, thương hiệu Việt Nam đã và đang có uy tín mạnh mẽ với khách hàng quốc tế bởi năng lực sản xuất, sản phẩm chất lượng cao, giá cả cạnh tranh và tập trung vào xuất khẩu.
Ông cho rằng, thương mại điện tử B2B (doanh nghiệp tới doanh nghiệp) tạo điều kiện cho nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam tăng tốc phục hồi và thậm chí có được tăng trưởng bền vững.
Đưa ra lời khuyên cho nhà bán hàng, ông Gijae Seong cho rằng, đừng nên sợ hãi khi chưa hiểu rõ thị hiếu người dùng quốc tế hay khả năng cạnh tranh chưa đủ mạnh. Nhà bán hàng có thể tham gia, tìm kiếm các khóa đào tạo trực tuyến, trang bị kiến thức vững vàng để tận dụng tốt các công cụ sẵn có.
Đồng thời, một sản phẩm thật chất lượng với đầy đủ cam kết về nguồn gốc xuất xứ, thành phần, chất lượng và bảo hành... sẽ giúp tăng uy tín, thu hút thêm nhiều khách hàng.
Với sự hỗ trợ công nghệ, dữ liệu từ các nền tảng, nhà bán hàng có thể quảng bá, đưa thương hiệu chạm đến những khách hàng cách xa họ hàng nghìn km.