Bộ sách Chào tiếng Việt: Cấp độ 1 – Ra khơi, Cấp độ 2 – Khám phá (tác giả Nguyễn Thuỵ Anh) do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam phát hành đã vinh dự đoạt giải A - Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ 6.

Chào tiếng Việt cấp độ 1 và 2 được tác giả biên soạn theo Chương trình tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài, tương ứng với trình độ Sơ cấp; dành cho học sinh thuộc 2 nhóm tuổi: từ 6-10 tuổi và 10 -15 tuổi. Bộ sách là công cụ giúp học sinh phát triển, nâng cao năng lực sử dụng tiếng Việt, đồng thời là tài liệu dạy học tiếng Việt của các thầy cô giáo và các bậc phụ huynh. 

z5022652110479 4ebce1e6a45e2a7cdcb0ddad5ab4f7c0.jpg
Bộ sách "Chào tiếng Việt" (Ảnh: Tình Lê).

Trong bộ sách, các hoạt động học được thiết kế vui nhộn, thú vị, kết hợp với hình minh họa dẫn dắt người học một cách tự nhiên vào câu chuyện của các nhân vật Miu Nguyễn, Dế và Bé. Về mặt ngữ liệu, trong bộ sách có các câu chuyện, đoạn hội thoại, trò chơi sắm vai, câu đố, thơ ca, đồng dao, âm nhạc, phim hoạt hình, phim tư liệu, đoạn audio, trò chơi trải nghiệm, truyện cổ tích, thí nghiệm, các nhiệm vụ và nhiều thử thách - những nội dung có thể giúp các em nảy sinh động lực học tiếng Việt và giữ được nhu cầu học lâu dài. 

Phóng viên VietNamNet có cuộc trao đổi với tác giả Nguyễn Thuỵ Anh để hiểu hơn về quá trình tạo nên tác phẩm xuất sắc này.

psx 20231229 213732.jpg
Tác giả Nguyễn Thuỵ Anh (Ảnh: Lê Anh Dũng).

- Hành trình tạo nên bộ sách Chào tiếng Việt của chị như thế nào?

Tôi hoàn thành hai cuốn sách khá nhanh với sự hỗ trợ của đội ngũ biên tập viên chuyên nghiệp và họa sĩ của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. Để được như vậy, tôi đã có quá trình hơn 10 năm nghiên cứu, đưa ra những phương pháp, phương án và thực hành tại một số nước như Ba Lan, Đức và Pháp. 

Là một người cũng làm về mảng phương pháp, tôi cho rằng chúng ta cần tìm "điểm giữa" của phương pháp dạy tiếng Việt cho người nước ngoài và dạy tiếng Việt như tiếng mẹ đẻ. Tuy các em nhỏ hay những bạn trẻ gốc Việt ở nước ngoài chưa phải là người Việt Nam nhưng họ cũng không hoàn toàn là người nước ngoài. 

Ngoài phát triển một cộng đồng riêng, họ còn có sự kết nối sâu xa với cội nguồn và dành những cảm xúc đặc biệt đối với tiếng Việt. Điều đó khác hoàn toàn so với người nước ngoài học tiếng Việt. Vì vậy, cần mở ra một hướng tiếp cận khác thay vì mang những cuốn sách dạy tiếng Việt ở Việt Nam ra nước ngoài để dạy họ.

Để học được tiếng Việt, theo tôi bước đầu tiên, phải tạo được động lực học tiếng cho các bạn trẻ. Trước hết, phải xuất phát từ nhu cầu bản thân, thay vì học theo nhu cầu của người lớn - gìn giữ tiếng Việt. Bởi với các bạn trẻ được sinh ra ở nước ngoài và đã thích nghi với cuộc sống bản địa, nhu cầu học tiếng Việt của họ không nhiều.

Theo tôi, nhu cầu học tiếng trước hết xuất phát từ sự thích thú, niềm tự hào được là một người Việt Nam hoặc đến từ nhu cầu tìm hiểu, thể hiện bản thân bằng tiếng Việt. Quá trình thực nghiệm nhiều năm làm trại tiếng Việt cũng như đi dạy, tôi được chứng kiến một số khó khăn khi tiếp xúc tiếng Việt của các em.

Chính vì lẽ đó, tôi đã tiếp cận ngôn ngữ qua một chú mèo có tên Miu Nguyễn giúp việc học tiếng trở nên thú vị. Qua cuốn sách, Miu Nguyễn cùng với những bài hát, bí kíp đọc từng thanh điệu tiếng Việt sẽ giúp các em vượt qua những rào cản ngôn ngữ.

- 10 năm tìm hiểu nghiên cứu chị gặp khó khăn gì, có từng muốn dừng lại hay bỏ cuộc?

Tôi cũng có những khó khăn về mặt thời gian và tài chính. Bên cạnh đó, việc sắp xếp cho những chuyến đi cũng không hề đơn giản. Mỗi năm tôi lại bỏ ra 1,2 tháng để đi, khoảng thời gian còn lại, chủ yếu kết nối online với mọi người.

Mặc dù đây không phải một công việc để kiếm tiền và cũng phần nào gây áp lực với tôi thời trẻ. Song tôi chưa từng muốn bỏ cuộc vì đó là tâm huyết xác định từ trước. Thời sinh viên, tôi cũng đã chia sẻ câu chuyện này với những người làm cha mẹ ở nước ngoài.

Ở Nga 17 năm, tôi thấu hiểu câu chuyện phụ huynh lo sợ con mình mất gốc tiếng Việt, thiếu đi sự kết nối sâu lắng bằng ngôn ngữ. Đặc biệt, chính tôi cũng là một bà mẹ sinh con ra ở đó. Vì vậy tôi đã tự đặt ra một “sứ mệnh” và tự nhủ rằng sẽ không bao giờ bỏ cuộc.

- Bộ sách đạt Giải A Giải thưởng Sách quốc gia có ý nghĩa như thế nào đối với chị? 

Với tôi, việc cuốn sách đạt giải A vô cùng ý nghĩa.

Thứ nhất, Giải thưởng Sách quốc gia là một giải thưởng uy tín với nhiều vòng lựa chọn khác nhau, mở ra cơ hội để những cuốn sách được các chuyên gia trong giới đánh giá, thẩm định. 

Thứ hai, những cuốn sách được đề cử giải cao bao giờ cũng được các chuyên gia phản biện độc lập đưa ra những ý kiến khách quan và công tâm. Vì vậy, phải tới ngày hôm nay tôi mới thực sự an tâm và hạnh phúc vì công sức, sự tâm huyết được mọi người công nhận.

Có thể nói, việc nhận được sự đồng ý, cổ vũ của nhiều người trên sẽ tiếp thêm động lực cho tôi làm việc nhiệt tình, hiệu quả hơn trên chặng đường tới.

Sau hơn 1 năm ra mắt, Chào tiếng Việt đã đến được với cộng đồng ở nhiều nước trên thế giới. Bộ sách cũng đã vinh dự được trở thành món quà của các lãnh đạo Đảng, Nhà nước gửi tặng cộng đồng người Việt tại một số quốc gia (Nhật, Luxembourg, Vương quốc Bỉ, Na Uy…) và đưa vào hệ thống thư viện công tại nhiều nước sở tại để bà con người Việt có thể tới mượn và sử dụng linh hoạt theo nhu cầu của mình.

Bên cạnh đó, NXB Giáo dục Việt Nam cùng tác giả thường xuyên tổ chức tập huấn, chia sẻ về phương pháp dạy tiếng Việt cho trẻ em trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài; duy trì các nhóm hỗ trợ kỹ thuật đối với các giáo viên tham gia tập huấn Chào tiếng Việt, tham gia các diễn đàn để tiếp thu ý kiến phản hồi của bạn đọc. 

Bộ sách Chào tiếng Việt không chỉ là tài liệu hỗ trợ nâng cao hiệu quả dạy và học tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài mà còn góp phần kết nối cộng đồng người Việt ở nước ngoài, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá Việt Nam, giới thiệu những giá trị văn hoá Việt Nam tới bạn bè quốc tế.