Xuất xứ từ các vùng đầm lầy ở khu vực Đông Nam Á, trâu nước giờ đây đã có mặt ở khắp nơi trên thế giới, đặc biệt là Italia, nơi sữa của chúng được dùng để chế biến món pho mát mozzarella di bufala hảo hạng.

Tại châu Mỹ, các đàn trâu nước có thể được phát hiện từ dãy núi Andes đến tận vùng thảo nguyên khô hạn ở miền trung Canada. Tuy nhiên, chỉ có José Miranda, anh nông dân đến từ Venezuela, là người có khả năng giúp loài động vật nhiệt đới này sống sót qua tiết trời mùa đông khắc nghiệt, ở độ cao hơn 1.800 mét giữa lòng Thung lũng Roaring Fork ở bang Colorado.

{keywords}
José Miranda chơi đùa cùng những chú trâu nước của mình. Ảnh: High Country News

Sinh năm 1976 trong một gia đình chủ trang trại ở Venezuela, José lớn lên vào đúng thời điểm trâu nước mới được du nhập và phổ biến tại quê hương anh. Do khả năng thích nghi tốt với khí hậu Venezuela, cùng với chi phí ăn uống, chăm sóc ít tốn kém hơn hẳn các giống bò bản địa, loài vật này nhanh chóng được giới chủ trại nước này ưa chuộng đến mức, bản thân José từng thổ lộ: “Những con bò là thứ hoàn toàn xa lạ đối với tôi”.

Sau khi tốt nghiệp ngành nghiên cứu động vật và đất canh tác tại Đại học bang Montana (Mỹ), José quyết định về nước để nối nghiệp nghề chăn nuôi của gia đình, và tậu một khu đất khoảng 202ha và 20 con trâu. Nhưng đến năm 2013, cơ ngơi của anh bị một nhóm cướp đột nhập và lấy đi hết mọi thứ, kể cả những chiếc xe đạp cho trẻ con. Điều này buộc José cùng vợ con phải rời Venezuela để lên máy bay sang Mỹ. Họ đến sinh sống ở thị trấn Carbondale, bang Colorado, và quyết định gây dựng lại cơ nghiệp tại đây từ 2 bàn tay trắng.

Ban đầu, José làm thuê tại nhiều nông trại khác nhau trong hơn 7 năm. Tuy nhiên, anh chưa bao giờ cảm thấy mãn nguyện với chúng, vì đơn giản, những chú bò được anh chăn nuôi tại Mỹ không hề giống những chú trâu nước tại quê nhà.

“Sau nhiều năm chăn nuôi gia súc, tôi nhận ra rằng trâu nước vẫn là loài thông minh hơn cả, và tôi cực kỳ gắn bó với loài động vật này”, José chia sẻ. "Chúng có chất lượng sữa tốt hơn, dễ chăm sóc hơn, có sự kết nối tốt hơn và sống lâu hơn”.

{keywords}
Đàn trâu nước trở thành cơ nghiệp mới của José Miranda và gia đình tại Mỹ. Ảnh: High Country News

Và cơ hội đã đến với José vào năm 2014, khi chính quyền bang Colorado quyết định loại trâu nước khỏi danh sách “động vật ngoại lai”. Điều này giúp chi phí chăn thả và khai thác sản phẩm từ loài gia súc này trở nên ít đắt đỏ hơn rất nhiều. José quyết định tậu cặp trâu nước đầu tiên từ một người lai giống ở bang Texas, và mua thêm một cặp nữa ngay trong năm sau.

Tuy nhiên, vạn sự khởi đầu nan, và nghề chăn trâu cũng vậy. Ban đầu, để có tiền chăm sóc và phát triển đàn gia súc của mình, José đã cố gắng đăng ký để được hưởng một khoản vay không lãi suất từ ​​2 Forks Club, một tổ chức phi lợi nhuận tại Colorado chuyên hỗ trợ nông dân và các nhà kinh doanh thực phẩm địa phương. Thế nhưng, yêu cầu này không được chấp nhận vì José vẫn bị xem như người nước ngoài, chưa phải công dân Mỹ.

Giá cả đất đai tại Thung lũng Roaring Fork nói riêng, và ở nước Mỹ nói chung, cũng là một vấn đề lớn khác. Có thời điểm, José tính mua một căn nhà rộng khoảng 16ha, chỉ để làm nơi tránh rét cho đàn trâu. Tuy nhiên, mức giá rẻ nhất để sở hữu mảnh đất này là 700.000USD ở trong Thung lũng Roaring Fork, và tới 1,5 triệu USD ở những khu vực khác ven thị trấn Carbondale.

Song không nản chí, José vay tiền từ ngân hàng để thuê 5 bãi đất nhỏ cho việc chăn thả đàn trâu và cải tạo một chiếc xe kéo cũ thành một nhà kho và nông trại sữa lưu động. Bằng cách này, José không chỉ tiết kiệm được kinh phí, mà còn có thêm thời gian để chăm sóc đàn trâu cũng như kết nối với các khách mua tiềm năng. Anh cũng hy vọng có thể nhân rộng mô hình tự chủ này cho các hộ nông dân khác tại Thung lũng Roaring Fork.

{keywords}
José luôn dành tình yêu sự quan tâm đặc biệt với những vật nuôi của mình. Ảnh: Aspen Daily News

José chăn thả luân phiên đàn trâu nước của mình tại 5 bãi đất thuê được ở những độ cao khác nhau. Anh đưa đàn trâu lên chỗ cao vào mùa hè, hoặc lùa đàn trâu xuống chỗ thấp vào mùa đông, để chúng có thể sống sót trước những điều kiện thời tiết khắc nghiệt của vùng cao nguyên Colorado. “Ưu tiên của tôi là sức khỏe của vật nuôi, sự tươi tốt của đồng cỏ và sự màu mỡ của mặt đất”, anh giải thích.

Cũng theo José, trâu nước được xem như loài vật có tới 3 lợi ích. Ở các khu vực phi công nghiệp trên thế giới, chúng được sử dụng thay thế máy kéo cho những công việc đồng áng như cày ruộng hoặc kéo xe goòng. Sữa trâu cũng được xem là “nữ hoàng của các loại sữa” vì chất lượng và độ tinh khiết. Chúng ít chất béo nhưng giàu đạm, sắt và canxi hơn hẳn các loài bò sữa thông thường. Bên cạnh đó, thịt trâu cũng có độ nạc tốt hơn thịt bò và ít nặng mùi hơn thịt bò rừng hoặc nai sừng tấm.

Sản phẩm nổi tiếng nhất từ sữa ​​trâu nước là pho mát mozzarella, với chất lượng được cho là tốt hơn nhiều so với mozzarella thông thường. Dù ban đầu, José mới chỉ sản xuất mozzarella cho gia đình và bạn bè, nhưng anh hy vọng trong những năm tới, trang trại sẽ hợp tác được với các hãng kem địa phương để sản xuất mozzarella và các sản phẩm khác từ sữa trâu cho các đầu bếp và người dân Colorado.

{keywords}
Người nông dân từ Venezuela hy vọng sẽ nhân rộng mô hình chăn nuôi của mình cho các hộ nông dân tại Colorado. Ảnh: High Country News

Bỏ lại sau lưng những mất mát tại quê nhà, bằng sự cần cù, nghị lực và tình yêu vô bờ đối với loài trâu nước, José Miranda và gia đình giờ đang có một cuộc sống mới tốt đẹp hơn trên đất Mỹ. Và với việc đón nhận thêm 9 lứa nghé mới chào đời, José tin tưởng rằng trong vài năm tới, anh sẽ có đủ số lượng sữa trâu để sản xuất mozzarella theo hướng thương mại hóa.

Việt Anh

Thăm nông trại tương lai trong lòng container

Thăm nông trại tương lai trong lòng container

Với The Cube, con người trong tương lai có thể mở nông trại ngay giữa lòng thành phố.

Xem nông dân Nhật dùng sói máy canh giữ hoa màu

Xem nông dân Nhật dùng sói máy canh giữ hoa màu

Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) cho biết, những con sói ‘robot’ được nông dân Nhật Bản lắp đặt cạnh những ruộng hoa màu để ngăn gấu phá hoại.