Bạn sẽ không bao giờ biết được mình đúng cho đến khi bạn dám thử

Tối 20/12, Giải thưởng Chính VinFuture 2022 trị giá 3 triệu USD đã được trao cho 5 nhà khoa học: GS. Sir Timothy John Berners-Lee, TS. Vinton Gray Cerf, TS. Emmanuel Desurvire, TS. Robert Elliot Kahn và GS. Sir David Neil Payne với các tầng phát minh đột phá trong việc kết nối công nghệ mạng toàn cầu.

Sở hữu những bộ óc vĩ đại, cống hiến những phát minh mang tính bước ngoặt làm thay đổi cách thức vận hành cuộc sống của nhân loại, nhưng con đường nghiên cứu của các nhà khoa học này lại không hề trải hoa hồng.

Tối 20/12, Giải thưởng Chính VinFuture 2022 trị giá 3 triệu USD đã được trao cho 5 nhà khoa học với các phát minh đột phá trong việc kết nối công nghệ mạng toàn cầu

Năm 1960, TS. Vinton Gray Cerf bắt đầu có ý tưởng về việc thiết kế một hệ thống giao tiếp, truyền thông kiểu mới mà không phải sử dụng những chiếc điện thoại hay máy fax cồng kềnh. Nhưng khi ông đưa ra ý tưởng của mình, các công ty đều từ chối đầu tư vì họ thấy “không tưởng”. Đồng nghiệp của ông cũng không tin vào sự khả thi của ý tưởng này. Họ khuyên ông nên quay về ĐH Stanford dạy học thì hơn.

Tuy nhiên, TS. Vinton đã không từ bỏ. Hơn một thập kỷ sau đó, năm 1977, ông mới thử nghiệm thành công 3 mạng lưới đầu tiên về Internet - một trong những cấu phần quan trọng của Công nghệ mạng toàn cầu. Lại mất thêm hơn một thập kỷ nữa, vào năm 1989, ông và các cộng sự của mình mới thương mại hóa Internet lần đầu tiên. Và cần đến 15 năm nữa, năm 2004, các chương trình Internet protocol của ông mới được triển khai bên ngoài vũ trụ. Một hành trình kéo dài qua 5 thập kỷ với rất nhiều lần thử - sai rồi lại thử, và vẫn chưa dừng lại.

“Tôi không thể đếm được hết những thất bại của mình. Khi thiết kế mạng Internet, chúng tôi không biết nó sẽ như thế nào trong tương lai. Chúng tôi tính toán là mỗi nước chỉ cần 2 mạng là đủ và nghĩ chỉ 16 triệu máy tính là nhiều lắm. Nhưng như các bạn thấy, chúng tôi liên tục tính sai. Con số hiện tại là 240 nghìn nghìn tỷ máy tính kết nối công nghệ mạng trên toàn cầu. Các sếp của tôi ở thời điểm đó không ai tin mạng Internet sẽ lớn như thế này. Càng phạm sai lầm nhiều càng học được nhiều thôi”, TS. Vinton Gray Cerf chia sẻ.

TS. Vinton Gray Cerf cho biết, ban đầu khi ông đưa ra ý tưởng về việc thiết kế một hệ thống giao tiếp, truyền thông kiểu mới mà không phải sử dụng những chiếc điện thoại hay máy fax cồng kềnh, các công ty đều từ chối đầu tư vì họ thấy “không tưởng”

TS. Emmanuel Desurvire cũng kể câu chuyện thất bại của mình trong quá trình nghiên cứu bộ khuếch đại quang erbium - tiền đề để xây dựng hệ thống tuyến cáp quang biển dài hàng tỷ mét, đủ dài để nối từ trái đất đến mặt trăng như hiện nay và làm cho tốc độ truy cập, truyền tải Internet nhanh hơn bao giờ hết. “Khi tôi đi xin kinh phí để sản xuất bộ khuếch đại quang, không ai hứng thú và cấp kinh phí cả. Sếp của tôi cũng nói với tôi: Emmanuel à, tôi không hề bị thuyết phục. Nhưng tôi vẫn ngoan cố theo đuổi định hướng nghiên cứu của tôi”, TS. Emmanuel cho hay.

TS. Emmanuel đã thử nghiệm mọi phương án vật lý có thể. Có những lúc ông tưởng đã thành công, nhưng khi bảo vệ phương án trước lãnh đạo của mình thì thất bại: bộ khuếch đại không hề khuếch đại. Mất rất nhiều thời gian và nhiều lần thử sai để ông tìm ra được vấn đề. Ông nhấn mạnh: “Hành trình đi từ ý tưởng ban đầu đến với thành công rất nhiều cam go. Để có bộ khuếch đại quang erbium như ngày hôm nay, chúng tôi nếm trải nhiều cay đắng, thất bại chứ không phải chỉ có hoa hồng”.

GS. Sir David Neil Payne bổ sung cho chia sẻ của đồng nghiệp: “Phải thất bại sớm thì mới trưởng thành được. Công việc của chúng ta là tìm ra những điều mới, những điều không đoán trước được. Vậy làm sao tránh được thất bại? Tôi vẫn nói với các sinh viên của mình rằng, trên powerpoint không phát minh ra được cái gì cả. Không ai cấp kinh phí triệu đô cho ta để nói một một điều hay ho trên powerpoint. Bạn có thể thử nghiệm ở quy mô nhỏ thôi nhưng bạn cần phải thử”.

Viễn cảnh toàn cầu hậu Internet 

Thế giới đã thay đổi hoàn toàn trong nửa thế kỷ qua nhờ Công nghệ mạng toàn cầu. Những tranh cãi về mặt tối của Internet vẫn chưa ngừng kết thúc ngay cả khi lợi ích vĩ đại của nó trở nên sáng tỏ hơn bao giờ hết qua đại dịch Covid-19. Các nhà khoa học tạo ra công nghệ mạng toàn cầu khẳng định, sẽ không có bất kỳ thuật toán nào đủ hoàn hảo để lọc bỏ những nội dung xấu độc trên mạng, nhưng con người có thể thay đổi nó bằng việc giáo dục nhận thức của người dùng.

GS. Sir David Neil Payne bày tỏ: “Mạng Internet là một cửa sổ khổng lồ mà khi mở cánh cửa đó ra thì vàng bạc châu báu vào nhà bạn và rác cũng vào theo. Có một khoảng cách số  giữa các quốc gia, dẫn tới bất bình đẳng giữa người với người trong việc sử dụng tài nguyên Internet. Cách duy nhất giải quyết là thông qua giáo dục đào tạo.”

Trong khi đó, TS. Emmanuel cho rằng, mặt tiêu cực của Internet có thể khắc phục được ở một giới hạn nào đó nếu mọi người đều chung tay chia sẻ những nội dung hữu ích lên đó để tạo ra một cộng đồng người dùng lành mạnh lớn mạnh, thay vì chỉ nhìn vào mặt tối và từ chối sử dụng nó.

Trước câu hỏi sau Công nghệ mạng, sáng chế nào sẽ thay đổi thế giới, các nhà khoa học đưa ra những dự đoán khác nhau. TS. Vinton nhận định đó có thể sẽ là những nghiên cứu thiên văn học liên quan tới vật chất tối và năng lượng tối. GS. David dự đoán khám phá vĩ đại tiếp theo thuộc về cách thức lưu trữ dữ liệu lớn (big data) trong kỷ nguyên mới. Còn TS. Emmanuel đặt niềm tin vào các phương pháp mã hoá dữ liệu để đảm bảo việc truyền tin giảm được tỉ lệ lỗi xuống còn 0% sẽ thay đổi cuộc sống con người.

Lễ trao giải KHCN VinFuture 2022 đã vinh danh các nhà nghiên cứu tạo ra Công nghệ mạng toàn cầu. Theo GS. Sir Richard Henry Friend, Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng VinFuture, kết quả này không chỉ bởi những gì phát minh vĩ đại này mang lại cho nhân loại trong hiện tại, mà còn vì tiềm năng khổng lồ của nó trong việc thay đổi tương lai của thế giới hậu đại dịch.

(Theo TechNode Global)