Xuân Mạnh chia sẻ bước vào cuộc thi với tâm thế "không còn gì để mất":

Lê Xuân Mạnh, học sinh Trường THPT Hàm Rồng, Thanh Hóa vừa có màn lội ngược dòng xuất sắc và giành vòng nguyệt quế trong trận Chung kết năm của Đường lên đỉnh Olympia 2023.

“Cảm xúc của em giờ đây không có gì để diễn tả được, vô cùng sung sướng và tự hào khi mang vòng nguyệt quế đầu tiên về cho tỉnh Thanh Hóa. Em muốn dành tặng chiến thắng này cho tất cả những người đã ủng hộ em trong khoảng thời gian vừa qua, đặc biệt là gia đình và người bà đã khuất”, Mạnh chia sẻ.

Mạnh cho hay chiến thắng phải hội tụ cả 2 yếu tố kiến thức và may mắn, ở trận đấu này, em đã có đủ cả 2. 

W-namsinhb-1.jpg
 Nhờ bản lĩnh, Lê Xuân Mạnh "lội ngược dòng" chạm tay đến chiến thắng. Ảnh: Thạch Thảo

Theo Mạnh, đã có những thời điểm em có điểm số ít ỏi, thậm chí tạm xếp cuối đoàn "leo núi". Song em không run sợ, lo lắng. 

“Em đã xác định bước vào cuộc thi này với tâm thế không còn gì để mất khi là trận đấu cuối cùng và cố gắng hết sức không chỉ cho bản thân mà còn cho nhà trường, quê hương. Em chỉ hơi thất vọng vì đã không thể hiện đúng sức mình ở 2 phần thi đầu. Em đã có suy nghĩ sẽ dành toàn bộ sức lực cho 2 phần thi cuối cùng và điều đó thực sự đã mang lại thành quả”, Mạnh nói.

“Hôm nay, về nhà, việc đầu tiên có lẽ là em sẽ tổ chức một bữa liên hoan khao làng xóm, bạn bè”.

Chị Vũ Thị Hường, mẹ của Xuân Mạnh, hạnh phúc vì thành tích của con trai. Một trong những thời điểm của cuộc thi khiến người mẹ hồi hộp là lúc chờ đợi ban cố vấn của chương trình công nhận kết quả câu Văn học mà Xuân Mạnh đưa ra. “Lúc đó, tôi hồi hộp vì là thời khắc quan trọng, song vẫn tin tưởng vào con vì biết rằng Mạnh rất giỏi ở lĩnh vực Văn học và Lịch sử”.

Thực tế, Xuân Mạnh đã “lội ngược dòng” để chiến thắng với 2 câu thơ trong tác phẩm “Độc Tiểu Thanh ký”. Nói về cậu con trai, chị Hường cho hay, từ bé, Mạnh đã thể hiện có khả năng nhận biết mặt chữ, ghi nhớ rất tốt và đặc biệt thích Lịch sử.

“Vợ chồng tôi thường mua đồ xếp hình, chữ cái cho Mạnh từ bé nên có thể khiến con quen mặt chữ. 1 tuổi, Mạnh đã biết nói. Đến 3 - 4 tuổi, con đã có thể đọc về Lịch sử rất nhiều. Con thường tự lấy sách môn Lịch sử của anh để đọc và từ bé đã giỏi mảng này”, chị Hường kể.

Nói về bí quyết học tập, Mạnh cho hay phần lớn em đọc sách giáo khoa và tìm hiểu thêm kiến thức ở trên mạng. Mạnh cũng được anh trai Lê Xuân Dương (sinh viên năm cuối Trường ĐH Công nghệ - ĐH Quốc gia Hà Nội) hỗ trợ rất nhiều về mặt kiến thức.

“Hồi còn học phổ thông, những buổi tối ngồi cùng Mạnh học bài, em cảm nhận rõ em trai vô cùng chăm chỉ và luôn quyết tâm hoàn thành bài tập trong ngày và chuẩn bị sẵn sàng kiến thức cho ngày mai lên lớp”, Dương kể.

Theo lời anh trai, Mạnh theo dõi Đường lên đỉnh Olympia từ cách đây 12 năm và là fan “cứng” của chị Phạm Thị Ngọc Oanh - Quán quân năm thứ 11.

“Điều đó đã hun đúc cho Mạnh giấc mơ chinh phục đỉnh Olympia. Tuy nhiên có một khoảng thời gian, Mạnh gác lại giấc mơ để tập trung cho việc học. Chỉ đến khi tham gia cuộc thi “Âm vang xứ Thanh”, ước mơ chinh phục Olympia của Mạnh mới trỗi dậy và lớn dần. 

Ông bà nội của chúng em cũng là những fan hâm mộ của Đường lên đỉnh Olympia từ những năm đầu tiên và luôn mong một ngày 2 cháu bước lên sân khấu chương trình. Tuy nhiên, khi em lên lớp 10 và Mạnh lớp 6, bà nội đã qua đời. Giờ đây, kết quả thật viên mãn khi em trai đã thay em thực hiện ước mơ”, anh trai Mạnh chia sẻ.

Từ khi học tiểu học, sở thích và mơ ước của Mạnh là trở thành một bác sĩ. “Hồi còn bé, Mạnh hay ốm nên muốn trở thành bác sĩ để có thể giúp đỡ gia đình và mọi người”, mẹ của Mạnh chia sẻ. 

Ngoài việc học, thời gian rảnh, Mạnh có sở thích đá bóng và có thể chơi ở tất cả mọi vị trí. Nói về dự định trong tương lai gần, Mạnh cho hay, em chưa có kế hoạch cụ thể. Trước mắt, em sẽ tập trung hoàn thành chương trình THPT.

thang-1.jpg
Lê Xuân Mạnh trong vòng tay gia đình, bạn bè. Trong 23 năm của cuộc thi, đây cũng là lần đầu tiên Thanh Hóa có thí sinh giành vòng nguyệt quế. Ảnh: Thạch Thảo

Trước đó, trong hành trình Đường lên đỉnh Olympia, Xuân Mạnh cũng giành được những kỷ lục điểm số. Trong cuộc thi Tuần, Mạnh giành chiến thắng với số điểm “khủng” – 345, là mức điểm cao thứ hai trong các trận đấu tại Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 23. Trong đó, Mạnh đạt 110 điểm ở phần thi Về đích.

Xuân Mạnh cũng là một trong 10 thí sinh năm nay giành được điểm tuyệt đối ở phần thi giải ô chữ Vượt chướng ngại vật. Cụ thể, trong trận thi Tuần và Tháng, chỉ với một gợi ý, nam sinh đều trả lời chính xác từ khóa của phần thi Vượt chướng ngại vật và tạo khoảng cách điểm số với các bạn chơi.

Trên hành trình “leo núi”, Xuân Mạnh cũng thể hiện sự nhanh nhạy, chắc chắn ở các câu hỏi liên quan đến lĩnh vực Văn học, Lịch sử và hiểu biết chung nhờ khả năng ghi nhớ tốt.

Về điều này, Xuân Mạnh cho biết là nhờ thói quen đọc. Từ năm lớp 4, em thường hay lấy sách giáo khoa của anh để đọc nhiều lần nên có nội dung “thuộc lúc nào không hay”. Ngoài ra, em cũng tìm thêm các đầu sách nâng cao để học, làm dày thêm vốn hiểu biết. Hiện nam sinh cũng là cố vấn cho Câu lạc bộ Lịch sử của Trường THPT Hàm Rồng.

Với việc giành chiến thắng trong trận chung kết, Lê Xuân Mạnh đã nhận được mức thưởng kỷ lục là 50.000 USD (khoảng 1,2 tỷ đồng).