Ở câu hỏi cuối cùng trong phần thi Về đích tại chung kết năm Đường lên đỉnh Olmypia, thí sinh Nguyễn Minh Triết (Trường THPT Chuyên Quốc Học, Thừa Thiên - Huế) đã quyết định không trả lời câu hỏi để nhường cho 2 bạn chơi đang rất sát điểm nhau.
Câu hỏi cuối cùng trong lượt thi Về đích của Minh Triết có nội dung: “Cho bốn số nguyên dương phân biệt sao cho tổng của mỗi hai số chia hết cho 2 và tổng của mỗi ba số chia hết cho 3. Tìm giá trị nhỏ nhất của tổng bốn số này?”. Câu hỏi này có giá trị 30 điểm.
Minh Triết chia sẻ: “Hiện tại, em thấy cả 2 bạn Xuân Mạnh và Trọng Thành đều rất xứng đáng có chức vô địch. Để công bằng nhất, em sẽ nhường câu hỏi này để 2 bạn có thể tranh tài”.
Lúc này, MC Khánh Vy của chương trình tiếp lời: “Đây là một điều có vẻ như là chưa có tiền lệ tại chung kết Đường lên đỉnh Olympia”.
Thời điểm này, Nguyễn Trọng Thành (Trường THPT Chuyên Trần Phú, Hải Phòng) có 215 điểm, còn Lê Xuân Mạnh (Trường THPT Hàm Rồng, Thanh Hóa) có 220 điểm.
Thí sinh Trọng Thành sau đó đã bấm chuông xin trả lời, nhưng đáp án không đúng và thí sinh Xuân Mạnh đã giành vòng nguyệt quế.
Tuy nhiên, pha xử lý của thí sinh Minh Triết đã gây tranh cãi trái chiều. Một số người cho rằng em rất “fairplay”. Nhưng số khác lại nhận định em đã thi đấu không hết mình. Một khán giả bình luận: “Thà em Triết không trả lời hoặc trả lời sai còn hơn. Đây chính xác là em đang nhường cho Trọng Thành chứ không phải là nhường cả hai”.
Bởi tình huống này, Xuân Mạnh bấm chuông giành quyền trả lời sẽ rất rủi ro khi trả lời sai, Xuân Mạnh sẽ bị trừ 15 điểm và mất vòng nguyệt quế. Cũng có những ý kiến bày tỏ băn khoăn về việc nhường phần trả lời câu hỏi liệu có vi phạm luật chơi.
“Mình không đánh giá cao hành động nhường câu trả lời cho 2 thí sinh khác của Minh Triết. Nếu biết, em hãy trả lời để thi đấu fairplay với người đang dẫn đầu. Thà 2 thí sinh đang bằng điểm nhau, chứ có người đang cao hơn thì hành động đó sẽ là thiếu trách nhiệm. Trường hợp 2 thí sinh còn lại bằng điểm nhau, ban tổ chức cũng sẽ có câu hỏi phụ để phân định”, thành viên N.L chia sẻ.
Một thành viên khác cũng cho rằng: “Giả sử câu hỏi cuối này do được “nhường", em Nguyễn Trọng Thành trả lời đúng và vượt Lê Xuân Mạnh để giành ngôi vô địch sẽ tạo ra một tiền lệ xấu trong các cuộc thi sau này”.
Trước câu hỏi của VietNamNet về việc thí sinh nhường quyền trả lời trong trường hợp này liệu có đúng luật chơi, bà Tạ Bích Loan, Trưởng Ban Sản xuất các chương trình Giải trí (VTV3) - Đài Truyền hình Việt Nam, cho hay: “Đó là một cách nói khác của thí sinh về việc không trả lời được. Khi thí sinh không trả lời được câu hỏi, nghiễm nhiên các bạn chơi khác được quyền giành quyền trả lời”.
Theo bà Loan, thí sinh có “nhường” hay không đưa ra được câu trả lời, chương trình chỉ ghi nhận là không đưa ra được đáp án. “Chỉ xét hệ quả của sự kiện chứ không xét cách nói”, bà Loan chia sẻ.
Một thành viên ban sản xuất chương trình Đường lên đỉnh Olympia cho biết thêm: “Khi thí sinh bước vào chương trình thì thí sinh được làm chủ tất cả diễn tiến phần chơi của mình và không ai có quyền can thiệp”.
Theo vị này, chương trình không quy định luật lệ gì thêm. Cũng theo vị này, thực ra những tình huống nói “nhường lại” tương tự này cũng đã từng diễn ra trong các chương trình Đường lên đỉnh Olympia trong nhiều năm qua.
Với vòng nguyệt quế của Lê Xuân Mạnh, đến nay, đã có 18/63 tỉnh, thành có quán quân Đường lên đỉnh Olympia, gồm: Vĩnh Long, Hà Tĩnh, Đà Nẵng, TP.HCM, Quảng Bình, Quãng Ngãi, Bình Định, Thừa Thiên Huế, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Giang, Tiền Giang, Quảng Trị, Nghệ An, Ninh Bình, Thái Bình và Thanh Hóa.