Năm 2023, tỉnh Hậu Giang đặt ra nhiều mục tiêu về các chính sách giảm nghèo bền vững như nâng thu nhập, cải thiện đời sống người dân ở vùng khó khăn, nông thôn.

Đặc biệt, người nghèo, người dân sống ở vùng khó khăn được tạo điều kiện tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản như giáo dục, y tế, môi trường, nước sạch, thông tin nhằm phát triển kinh tế, xã hội.

Việc tiếp cận thông tin đa dạng, chính thống giúp người dân thụ hưởng các chính sách về giảm nghèo của Đảng và Nhà nước kịp thời, hiệu quả hơn.

Tỉnh Hậu Giang đặt mục tiêu giảm nghèo trong toàn tỉnh là 1%, giảm nghèo ở vùng khó khăn, dân tộc thiểu số là 2%. 100% hộ nghèo được cung cấp thông tin về chủ trương, các thông tin về thị trường lao động, việc làm, kết nối chính sách. 90% hộ nghèo được tiếp cận với các nguồn thông tin, internet, các dịch vụ viễn thông. 

Để thực hiện công tác trên, Hậu Giang đã có nhiều kế hoạch phát triển giảm nghèo đa chiều, tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội về công tác giảm nghèo đa chiều, bền vững.

Nhằm đưa thông tin về các chính sách giảm nghèo tới người dân, hệ thống loa phát thanh, thông tin cơ sở của Hậu Giang đã được kiện toàn, đầu tư nâng cấp.

Tỉnh Hậu Giang đưa ra mục tiêu đến năm 2025, các địa phương trong tỉnh từng bước hiện đại hóa hệ thống thông tin cơ sở.

the thao.png
Hậu Giang cũng xây dựng nền tảng cơ sở dữ liệu, số hóa nguồn thông tin. Ảnh: Phương Anh 

Qua đó, các hình thức cung cấp thông tin được thay đổi. Chất lượng và nội dung thông tin tập trung vào tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị của Đảng, Nhà nước và đáp ứng nhu cầu thông tin thiết yếu của xã hội, nâng cao khả năng tiếp cận thông tin của người dân.

Thiết lập nguồn thông tin cấp tỉnh cung ấp thông tin thiết yếu cho người dân trong việc phát triển kinh tế, xã hội. Mặc khác, Hậu Giang cũng xây dựng nền tảng cơ sở dữ liệu, số hóa nguồn thông tin cơ sở cung cấp cho người dân cũng như quản lý. 

Trong giai đoạn năm 2023 – 2025, Hậu Giang sẽ đầu tư mới, nâng cấp để mỗi xã, phường, thị trấn có hệ thống trang thiết bị hiện đại dựa trên ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông phục vụ công tác thông tin, tuyên truyền ở cơ sở.

Phấn đấu trên địa bàn tỉnh có 100% xã, phường, thị trấn có hệ thống truyền thanh hoạt động đến ấp, khu vực và 50% đài truyền thanh cấp xã có dây, không dây FM chuyển đổi sang truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông. 

Ngoài hệ thống truyền thanh cơ sở, cung cấp thông tin chính thống cho người dân qua các trang thông tin của xã, thị trấn cũng đóng góp tích cực vào “xóa đói tin tức”.

Năm 2025, Hậu Giang đặt mục tiêu 100% xã, phường, thị trấn có trang thông tin điện tử của UBND cấp xã để phổ biến thông tin thiết yếu đến người dân.

Các giải pháp của địa phương trong thời gian tới đó là phát triển hạ tầng mạng lưới thông tin cơ sở. Hiện đại hóa sản xuất nội dung tuyên truyền với việc sử dụng các thiết bị kỹ thuật số kết hợp với trí tuệ nhân tạo, ứng dụng phần mềm phân tích dữ liệu Big Data, tối ưu hóa quản lý hoạt động sản xuất thông tin.

Về công tác cán bộ thông tin cơ sở cũng được tỉnh ưu tiên có các giải pháp giải bài toán nhân lực.

Cùng với phát triển hệ thống thông tin cơ sở theo hướng thông minh ứng dụng công nghệ thông tin, viễn thông. Hậu Giang cũng đặt ra mục tiêu từ nay tới năm 2025, toàn tỉnh sẽ 100% các ấp, xã khu vực dân cư được phủ băng thông di động.

Tỷ lệ phủ băng thông cố định đạt 10%, dùng chung vị trí trạm BTS là 10%, 50% dùng chung cột treo cáp, 10% dùng chung cổng bể cáp, 100% xã kết nối mạng truyền thông dữ liệu.

Việc phát triển hệ thống viễn thông phủ khắp toàn tỉnh không chỉ giúp Hậu Giang nhanh chóng hoàn thiện các mục tiêu xóa đói giảm nghèo đa chiều còn đẩy mạnh chuyển đổi số.

Trong thời gian qua, Hậu Giang đã triển khai nhiều dự án, các tiểu dự án trong chính sách giảm nghèo và xây dựng hệ thống thông tin về giảm nghèo, đảm bảo độ bao phủ, không bỏ sót chính sách và đối tượng thụ hưởng. 

Phương Anh