Anh Đinh Di (38 tuổi, trú tại xã Lâm Sơn, huyện Minh Long, tỉnh Quảng Ngãi), nhờ vào các thông tin anh học hỏi trên các thiết bị nghe nhìn, đã thay đổi tư duy làm kinh tế gia đình.
Trước đây, 2ha vườn đồi gia đình anh chỉ trồng củ mì năng suất thấp, giá thành không cao, cây thường hay sâu bệnh, đời sống kinh tế thiếu thốn. Cách đây vài năm, anh Di bắt đầu tìm hiểu về các mô hình trồng cây nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao, anh chuyển sang trồng cau và trồng chuối móc.
Để trồng được các loại cây này, anh Di chịu khó tìm hiểu các kinh nghiệm chia sẻ từ chương trình khuyến nông trên tivi, đài truyền thành xã, thôn.
Nhờ đó, năng suất trồng cau và chuối móc cao hơn. Cây trồng tươi tốt. Giá cau trên thị trường giao động từ 30 – 45 nghìn đồng/kg cau trái. Ngoài trồng cau, anh Di có thể xen canh thêm cây ăn quả khác.
Từ những thông tin học hỏi trên tivi, mạng internet, vợ chồng anh Di quyết định mạnh dạn đầu tư vốn để thay đổi khu vườn đồi gia đình. Đến nay, mô hình làm kinh tế của gia đình anh Di được nhiều hộ gia đình khác học hỏi.
Cũng giống anh Di, nhiều hộ gia đình được tiếp cận các thông tin giảm nghèo bền vững, các chính sách của Đảng và Nhà nước về khuyến nông, khuyến lâm và tiếp cận nguồn vốn vay. Nhờ đó, mạnh dạn vay vốn, đầu tư và phát triển kinh tế.
Gia đình anh Đinh Mướt (xã Lâm Sơn, huyện Minh Long, Quảng Ngãi) cũng thay đổi vườn keo chuyển đổi sang trồng cau, trồng cây ăn trái như bưởi, mít.
Trước đây, việc canh tác chủ yếu dựa vào thời tiết thì đến nay họ đã học hỏi được các kỹ thuật trồng trọt đảm bảo năng suất nhờ được tiếp cận nguồn thông tin đầy đủ trên internet, đài phái thanh....
Anh Mướt cho biết ngoài các thông tin được tập huấn từ ủy ban nhân dân xã, vợ chồng anh cũng thường xuyên tiếp cận các thông tin về phát triển kinh tế, kỹ thuật trồng và chăm sóc bưởi, mít tránh sâu bệnh, nứt quả từ hệ thống truyền thanh cơ sở, tivi.
Các thiết bị nghe nhìn đã cung cấp thông tin bổ ích cho quá trình làm kinh tế, xóa đói giảm nghèo tại huyện vùng núi Minh Long.
Trong thời gian qua, các địa phương tại Quảng Ngãi đã tích cực truyền thông về công tác giảm nghèo được triển khai sâu rộng từ huyện đến xã, đến từng thôn, xóm, người dân, với nội dung đa dạng, hình thức phong phú, thiết thực, hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương; phát huy được sự sáng tạo của mọi tầng lớp nhân dân.
Thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên hệ thống đài truyền thanh, tổ chức các hoạt động đối thoại chính sách về giảm nghèo ở các xã, thị trấn bằng hình thức: lồng ghép nội dung vào các buổi sinh hoạt ở thôn, tổ dân phố.
Truyền thông qua các hình thức: pano, áp phích, tờ rơi. Truyền thông tại các buổi sinh hoạt cộng đồng có chủ đề về công tác giảm nghèo và tuyên truyền, phổ biến thông qua các hoạt động thông tin lưu động ở cơ sở, ưu tiên thực hiện trên đài truyền thanh xã, thị trấn.
Nhờ đó, các chính sách về giảm nghèo bền vững đã được tiếp cận với người dân một cách nhanh chóng, kịp thời nhất.
Giảm nghèo về thông tin cho người dân là một tiểu dự án quan trọng trong chương tình Mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững.
Để người dân không thiếu hụt về thông tin, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Ngãi đã có nhiều giải pháp kịp thời như phổ cập internet, mạng di động đưa thông tin về tới tận cơ sở, cung cấp các thông tin về kiến thức, kỹ năng sản xuất, các mô hình làm kinh tế giỏi, kinh nghiệm trồng trọt, chăn nuôi tới người dân góp phần thực hiện giảm nghèo trong giai đoạn hiện nay.
Năm 2023, tỉnh Quảng Ngãi đầu tư giảm nghèo về thông tin hơn 2,3 tỷ đồng tập trung vào các nhiệm vụ tập huấn nâng cao năng lựu cho cán bộ truyền thông, sản xuất các ấn phẩm báo chí, chuyển đổi đài truyền thanh xã sang công nghệ ứng dụng thông tin - viễn thông.
Hiện, 6 huyện bao gồm Ba Tơ, Minh Long, Sơn Hà, Sơn Tây, Trà Bồng và Lý Sơn đã được khảo sát lắp đặt cụm loa ứng dụng công nghệ thông tin, viễn thông giúp người dân tiếp cận được thông tin và sử dụng các dịch vụ viễn thông.