VietNamNet giới thiệu bài viết của độc giả Thanh Ny trước nhu cầu đổi mới trong tuyển dụng giáo viên. Nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Đây là những tín hiệu đáng mừng sau những ngày nghề giáo “mất giá”, phải tuyển cả thí sinh "10 điểm 3 môn" để đủ chỉ tiêu. 

Xã hội đã từng lo ngại, chới với bởi “người thầy 3 điểm” sẽ dạy chữ, dạy người thế nào trong bối cảnh ngành giáo dục đổi mới toàn diện. May mắn thay, chuyện ấy giờ đã tạm lùi xa!

Cơn gió mát lành từ kỳ tuyển sinh mấy năm gần đây đến từ sự cộng hưởng của hàng loạt chính sách miễn học phí, hỗ trợ sinh hoạt phí, đảm bảo đầu ra sau khi tốt nghiệp… 

"Hãy nhìn về phía học trò thân yêu, lẽ phải cao nhất và sự bù đắp lớn nhất nằm ở đó". Ảnh: Hoàng Hà

Những giáo sinh giỏi được đào tạo bài bản cùng với niềm đam mê bục giảng phấn trắng sẽ mở ra một thế hệ nhà giáo giỏi chuyên môn, giàu nhiệt tâm đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục trong tương lai. 

Nghề chân chính nào cũng là nghề vinh quang, nhưng nghề giáo có những đặc thù riêng bởi sản phẩm trực tiếp là con người với tri thức, năng lực và phẩm chất cần thiết để xây dựng xã hội. Giáo dục vẫn luôn được xác định là “quốc sách hàng đầu”, tuy nhiên thời cuộc xoay vần đang đổi dời nhiều giá trị cốt lõi. 

Vị thế sa sút, áp lực gia tăng

Thú thật, người thầy chúng tôi ngày càng cảm thấy vị thế của nghề đang giảm sút một cách trầm trọng. 

Nỗi lo ấy hiển hiện rành rành trong những tranh luận giữa nhà trường và gia đình, mà phần thua thiệt dường như luôn bị đẩy về phía giáo viên một cách vô tình. 

Nỗi lo ấy hiển hiện chua chát trong những đe nẹt mà một bộ phận phụ huynh sẵn sàng ném về phía giáo viên mỗi khi “cả gan” kỷ luật, la mắng con cái họ…

Dẫu áp lực vẫn ngày ngày dội xuống đôi vai, nhưng những “người gieo hạt” chưa bao giờ buông lơi nhiệm vụ dạy tri thức, uốn tâm hồn cho thế hệ trẻ. Bởi đúng như lời Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh: “Hãy nhìn về phía học trò thân yêu, lẽ phải cao nhất và sự bù đắp lớn nhất nằm ở đó”! 

Học sinh chính là nguồn động lực lớn lao để mỗi người thầy luôn sáng ngời tinh thần tự học, tự sáng tạo, bớt đi những nhọc nhằn, căng thẳng. Những tiếng “dạ thưa”, câu chào hỏi “thầy ơi”, lời reo mừng “cô ơi” giữa đám đông lao xao trên đường đời tấp nập khác nào dòng nước mát lành tưới tắm tâm hồn. 

Nhờ thế, bục giảng mới là nơi khơi nguồn cảm hứng thôi thúc thầy trò toàn tâm toàn ý làm bạn với tri thức, thực hành kỹ năng, trau dồi năng lực, vun bồi phẩm chất! 

Nhìn trò khôn lớn và trở thành công dân tốt, lương thiện và tử tế, lòng thầy cô chợt ấm áp lắm thay!

Nhưng mức lương thấp "lè tè" giữa thời “bão giá” buộc nhiều người chọn dừng chân trước ngưỡng cửa giáo dục. Vô số áp lực đổ dồn từ cơ chế chính sách, cách quản lý thiếu dân chủ ở cơ sở khiến nhiệt huyết đổi mới, sáng tạo của người thầy bị vơi đi.

Để tiếp tục đẩy con thuyền đổi mới giáo dục băng băng tiến về đích, cần lắm những quyết sách dài hơi thu hút người tài vào sư phạm. Song song với đó là nhiệm vụ giữ chân giáo viên giỏi gắn bó bền lâu với nghề, nuôi dưỡng bầu nhiệt huyết cống hiến cho sự nghiệp trồng người! 

Còn nhớ hồi đầu năm học mới, tin buồn về nhà giáo nơi này nơi kia nghỉ việc cứ “inh ỏi” dội đến khiến lòng người “gieo chữ” nghèn nghẹn. 

Mong lắm thay những đổi thay tích cực từ cơ chế quản lý, quyết sách về lương thưởng… để níu chân người tài vào sư phạm, giữ chân người giỏi ở bục giảng!

Thanh Ny

Phút bùi ngùi của người từng 10 năm đứng trên bục giảng

Phút bùi ngùi của người từng 10 năm đứng trên bục giảng

Nếu như chúng ta có những quyết sách giao khoán mạnh mẽ cho giáo dục, cả về con người và tài chính, thì có lẽ Liên - cô bạn thân học cùng lớp chuyên Văn với tôi - không phải nghỉ dạy sau 10 năm thanh xuân nhiệt huyết gắn bó với nghề giáo.