Báo cáo của Bộ GD-ĐT gửi các ĐBQH cho biết có 16.265 giáo viên nghỉ việc, chuyển việc trong năm học 2021-2022. Trong đó, 2/3 là giáo viên khối công lập.  

Người dân đã thấy. Quốc hội đã nhìn ra và Bộ trưởng GD-ĐT cũng không thể không thừa nhận: đó là chuyện không bình thường! Nhất là trong bối cảnh năm học trước đó, cả nước đã thiếu hơn 94.700 giáo viên các cấp. 

Đã có nhiều cách lý giải cho tình trạng này. Trong đó, “lương thấp” là nguyên nhân chính ở câu trả lời của Bộ trưởng. “… giáo viên công tác 5 năm đầu, thu nhập bình quân từ lương và phụ cấp khoảng 6 triệu đồng/tháng, không đủ trang trải chi phí thiết yếu của cuộc sống, khiến một số giáo viên phải chuyển việc để kiếm thu nhập cao hơn”- ông Bộ trưởng phân tích thêm. 

Tôi từng đứng lớp từ 30 năm trước. Đất nước khó khăn, lương tháng không đủ sống, giáo viên chúng tôi phải làm thêm đủ nghề để sống và lên bục giảng. Từ trồng nấm, ủ mộng lúa bán cho người nấu mạch nha, nuôi heo, gà... đến vỡ núi trồng bạch đàn, trồng chuối, sắn, khoai lang... Đắng cay, ngọt bùi đủ cả. Nhưng ít nghe ai muốn bỏ nghề vì nghèo!  

Có lẽ vì ngày ấy, chúng tôi ít có cơ hội để lựa chọn, nên cứ bám riết lấy nghề dạy học với đồng lương bèo bọt! 

Ngẫm lại bản thân và bạn bè , đồng nghiệp, lý do ấy cũng có phần đúng. Bây giờ cuộc sống khá hơn, việc làm nhiều hơn, giáo viên có nhiều sự lựa chọn. Họ bỏ nghề khi có cơ hội khác mang lại cuộc sống dễ thở hơn. 

Tôi dùng từ “dễ thở”, vì khó hy vọng cuộc sống “khá hơn”, với những giáo viên phải lao động trái nghề, thiếu chuyên môn và chuyển việc khi đã lớn tuổi. 

Giáo viên nghỉ việc hàng loạt do lương thấp chỉ là một phần nguyên nhân. Sức ép công việc mới là nguyên nhân chính. Không chỉ ngày lên lớp mấy tiết, mà còn bao thứ hồ sơ sổ sách, phong trào, hội thi, hội diễn của ngành và các đoàn thể, viết sáng kiến kinh nghiệm... Bên cạnh đó, còn phải làm đủ loại báo cáo, hồ sơ sổ sách cả bản giấy lẫn điện tử, rồi phần mềm, tập huấn trực tuyến, trực tiếp… Ai làm chủ nhiệm lớp sẽ ngấm đòn với những công việc linh tinh này.  

Nghỉ hè vài tháng nhưng nào có được yên, khi mất nhiều ngày cho hội họp, tập huấn chuyên môn, chuyên đề... và cả vì không đáp ứng được yêu cầu của chương trình mới, khi phải ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học. 

Sức ép tâm lý nhiều khi chỉ đơn giản là từ cung cách quản lý của những “ông trời con” trong ngành giáo dục. Giáo viên được mặc định là phải “mô phạm”, phải “khuôn vàng thước ngọc”, phải chuẩn mực, kiên nhẫn… nên trong đa phần các vụ việc xảy ra trong trường học, phần lỗi lầm thường hầu hết đều được quy về phía giáo viên, hoặc giáo viên phải chịu trách nhiệm nặng hơn.  

Không phải ngẫu nhiên mà số vụ phụ huynh vì bênh con mà đã xông vào trường chửi, đánh, làm nhục giáo viên ngày càng nhiều, trong khi cơ chế bảo vệ giáo viên hầu như chưa có gì, khiến giáo viên bất an, thậm chí cho rằng, “thời nay, nghề giáo là nghề nguy hiểm nhất”! 

"lương thấp" thì Quốc hội đang bàn, hy vọng lương cho các thầy giáo, cô giáo sẽ đủ sống. Vì sức ép công việc, Bộ GD-ĐT và các sở cần nghiên cứu, làm sao bớt đi những việc vô bổ để các thầy cô có thời gian nghỉ ngơi, đầu tư trí tuệ cho việc dạy học. Còn nếu thầy cô vì thấy mình không đáp ứng được yêu cầu của chương trình mới, nhất là về công nghệ thông tin, "không đào tạo lại" được, mà tự nguyện nghỉ việc thì đó cũng là điều đáng mừng để ngành giáo dục có cơ hội nâng cao chất lượng đội ngũ.  

Vân Thiêng