Trong khi heo quay loại ngon, chất lượng đảm bảo có giá trên dưới 200.000 đồng/kg thì trên thị trường xuất hiện nhiều loại heo quay giá cực rẻ, chỉ có 80.000-120.000 đồng/kg.

PV đã mục sở thị một lò sản xuất heo quay "bẩn" cung cấp ra thị trường nhiều loại thịt quay rất đáng lo ngại....

Thâm nhập lò heo quay "bẩn"

Theo chân một lái heo có tiếng ở huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai, chúng tôi đến lò heo quay của bà P. ở ấp Phúc Nhạc, xã Gia Tân 3, vào một chiều muộn cuối tháng 1/2015, để đặt hàng heo quay cúng với số lượng 2 con. Sau khi đi lòng vòng qua mấy con đường đất nhỏ hẹp mới đến được cơ sở heo quay của bà P. Nói "cơ sở" cho oách chứ thật ra đó là căn nhà cấp 4 ọp ẹp, trông rất bẩn. Phía trước là nơi ăn ở và sinh hoạt, phía sau là một cái chòi rộng khoảng 20 m2 dùng để giết mổ và quay heo.

{keywords}

Heo được treo móc lên chờ ở "lò" bà P. trước khi đem bôi phẩm màu, hương liệu và quay thông thường vào những lúc rạng sáng...

Điều đáng nói là, đến trước chúng tôi còn có ông An, mối ruột của bà P. chuyên đặt "hàng sống" (tức heo chưa quay) mang về nhà quay, sau đó đi giao nơi khác. Ông An, khoảng 40 tuổi, có lò quay heo trực tiếp tại nhà. Tại đây, sau khi người làm công bà P. cân hàng, ông An vừa ghi sổ vừa hối thúc: “Hàng này nhớt nhợt không à, mày mang ướp lại đi, làm không kịp là nó hư luôn đó!”.

Ông An là mối hàng lấy thịt heo bệnh, heo chết thường xuyên của bà P. Mỗi lần lấy hàng 300-400kg, mỗi ngày bỏ mối trên 100 kg thịt heo quay cho các mối tại chợ Hóc Môn, tiệm bánh mì, tiệm cơm..., vợ ông mang đi bỏ mối giá có 80.000 đồng/kg. Tận dụng cơ hội khi bà P. đang "tán chuyện làm ăn" với ông An, chúng tôi đi một vòng "tham quan" khu giết mổ chế biến heo quay tại đây. Trên nền xi măng ẩm ướt đen nhẻm bốc mùi tanh khó chịu là 4 con heo đang nằm sùi bọt mép, trong đó có 1 con đã chết....

Anh Nam, một lao động trẻ tuổi giải thích: "Số heo này mới nhập ngày hôm qua, nhốt chung chuồng chật nên có con mới chết sáng nay". Vừa trò chuyện, Nam cùng một lao động khác bằng một thao tác rất thuần thục, quăng mạnh một con heo nặng chừng 40 kg xuống nền xi măng, sau đó dội mấy gáo nước lạnh được lấy từ một bể nước cực kỳ bẩn nằm bên cạnh, rồi cả hai dội nước sôi lên cạo lông, chừng 20 phút sau khi nhẵn lông thì treo đầu con heo lên bằng sợi móc sắt hình chữ thập cho ráo nước, bên cạnh là tấm vách bằng nilon nhàu nát.

{keywords}

Heo được làm sạch lông trên nền xi măng rất mất vệ sinh...

Chúng tôi hỏi: "Treo lên vậy rồi quay luôn hả?". "Bây giờ thì chưa. Khuya này bà chủ mới cho tẩm gia vị, sau đó quay thêm 3-4 giờ nữa mới chở đi giao cho khách", Nam trả lời.

Theo bà P., heo quay của "cơ sở" có nhiều giá. Nếu heo còn sống trước khi giết mổ thì giá sẽ cao hơn heo chết 40%. Chẳng hạn, heo sữa trên 3 kg còn sống trước khi quay có giá 1,1 triệu/con, còn đã chết có giá chưa đến 600.000 đồng. Tương tự, heo sữa 10 kg giá 1,9 triệu/con, còn chết giá 1 triệu. "Muốn quay (heo) sống có sống, muốn chết có chết. Là chỗ quen biết nên chị nói thật. Còn loại heo quay mảnh giá 160.000 đồng/kg nếu còn sống, heo đã chết giá chưa đến 100.000 đồng/kg. Nếu muốn mua heo sữa chỉ hơn 1 kg cũng có, nhưng giá 1,5 triệu đồng", bà P. nói.

Bà Nguyễn Thị Vân, chủ cơ sở lò heo quay ở phường Long Bình, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, cho biết: "Nếu heo quay loại ngon, đảm bảo chất lượng phải có giá 150.000 đồng/kg, tức chế biến sản xuất theo đúng qui trình 3+3 (3 giờ ngâm gia vị và 3 giờ quay)....

Gia vị ở đây bao gồm ngũ vị hương, muối và bột ngọt. Trong đó không sử dụng đường làm gia vị, bởi nó sẽ làm nhanh cháy đen heo. Trái lại, đối với loại heo quay bán ở chợ thường có màu vàng đỏ trông rất sáng, dùng để cúng nên rất bắt mắt nhưng giá lại rẻ, khoảng 100.000 đồng/kg. Ăn vào có cảm giác nhạt, thịt bở. Loại này người ta sử dụng nguyên liệu thịt chết hoặc heo bệnh, đặc biệt là không được ướp tẩm gia vị trước khi quay mà chỉ bôi màu công nghiệp, tẩm hương liệu và chút muối. Màu công nghiệp người ta đang sử dụng phổ biến là "ống màu gạch cua" của Trung Quốc giá có 2.000 đồng/ống, 1 con heo quay dùng khoảng 4-5 ống. Màu này dính vào tay tẩy rất lâu mới phai.

{keywords}

"Ống màu đỏ gạch" pha màu vàng, hương liệu sau đó dùng bôi (quét) lên heo trước khi qua...

Ông Hoàng, phó ban ấp Phúc Nhạc cho hay, cơ sở làm heo quay của bà P. thực chất là hộ gia đình hoạt động theo thời vụ. Những ngày giáp Tết hoạt động khá mạnh, có ngày nhập về trên 10 con, còn ngày bình thường chỉ giết mổ và quay khoảng 5 con heo trở lại. Bà chủ này nghe đâu cũng có một trại nằm ở xã Quang Trung bên cạnh, chuyên thu mua các loại heo, trong đó heo bệnh giá đổ đồng khoảng 25.000 - 30.000 đồng/kg. Sau đó mang về trại "vỗ béo" ít ngày rồi đưa đến đây giết mổ làm heo quay.

"Ngày 23/1, đoàn kiểm tra liên ngành huyện Bình Chánh “đột kích” lò chuyên kinh doanh heo chết tại xã Phong Phú để chế biến thành heo quay. Tuy nhiên khi đoàn ập vào thì chủ lò biến mất, còn các vật dụng để chế biến, quay heo chết vẫn còn. Chủ lò quay heo chết này từng bị trạm thú y bắt quả tang hai lần và cấm hoạt động nhưng vẫn tiếp tục di chuyển qua địa điểm khác. Ðể nắm được sai phạm và quy luật hoạt động của lò quay heo chết này, chúng tôi phải cử cán bộ đi trinh sát trong vòng hai tuần, nhưng cuối cùng vẫn không thể làm việc được. Do vậy, mỗi lần xử lý một điểm heo quay chết nào đó đòi hỏi tốn rất nhiều thời gian

(Ông Nguyễn Hồng Triệu, Trưởng trạm Thú y huyện Bình Chánh)...

Khó phân biệt

Tại TP HCM, theo tìm hiểu chúng tôi, hiện nay rất nhiều cửa hàng buôn bán heo quay không có nguồn gốc rõ ràng. Bà Thái, một chủ tiệm heo quay ở chợ Thủ Đức cho biết, bình thường mỗi ngày bán ra khoảng 10 con heo quay, nhưng những ngày giáp Tết số lượng bán ra gấp đôi, đa số đều được nhập "nguyên con" lên từ Đồng Nai.

Tuy nhiên, khi nhìn thấy hàng con heo màu vàng đỏ gạch nằm trên giá không thấy có dấu kiểm dịch của thú y, bà Thái phân trần: “Ối dzà, nó vào lò quay nhiệt độ lên tới vài trăm độ C như vậy heo còn cháy huống gì dấu với má!”.

Còn tại quận 5, 6 như đường Tạ Uyên (quận 5), đường Bà Hom (quận 6) nơi nổi tiếng có nhiều lò quay nằm "chiếm" mặt tiền, hầu hết các lò đều giăng heo quay vàng ươm ra tới cột điện ngoài đường được che hớ hênh bên trong các tủ kính đầy bụi.

Đa số các tiệm heo quay ở đây cho biết, họ lấy heo sống từ các tỉnh miền Tây. Tại cửa hàng và cũng là lò heo quay Phát Đạt ở đường này, ông chủ tiệm nói với chúng tôi: “Năm hết Tết đến nên nhiều nhà hay cúng lễ, cưới xin vì vậy heo quay bán khá chạy. Nhiều lò khác phải tăng cường quay heo bệnh, heo chết, vì heo sống bây giờ giá tăng vùn vụt. Còn cửa hàng này thì uy tín, không làm ăn bậy bạ đâu?"....

{keywords}

Heo sữa quay ở chợ nặng 3 kg bán giá 900.000 đồng. Nguồn gốc thế nào không ai rõ?...

Ông Khương Trần Phúc Nguyên, Trưởng phòng Thanh tra, Chi cục Thú y TP HCM cho biết, đặc điểm heo quay là nhìn vào bề ngoài thấy màu vàng đỏ ươm, rướm mỡ, đẫy đà, nên rất khó nhận biết đó là heo chết hay heo sống. Có khi heo chết bán giá bằng với heo sống, nhất là người ta mua heo quay về cúng cần có màu sắc bên ngoài, do tâm linh nên heo cúng có nhiều giá khác nhau. Vẫn theo ông Nguyên, heo chết vốn mang trong mình nhiều mầm mống dịch bệnh, lại bị các chủ lò quay bôi thêm phẩm màu, hương liệu hóa chất không rõ nguồn gốc làm gia vị... nên đã độc lại càng độc thêm....

(Theo Nông Nghiệp Việt Nam)