Hà Giang là tỉnh miền núi biên giới phía Bắc của Tổ quốc. Với chiều dài hơn 277km đường biên giới với nước bạn Trung Quốc, hiện tại, Hà Giang có 4 cửa khẩu chính là Thanh Thuỷ, Xăm Pun, Xí Mần và Phó Bảng.
Trong đó, khu kinh tế cửa khẩu Thanh Thủy, tỉnh Hà Giang được định hướng trở thành khu vực trọng điểm kinh tế, đầu tầu trong sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội giữ vững an ninh, chính trị trên biên giới Việt - Trung.
Theo ước tính, trong 3 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu qua Cửa khẩu Quốc tế Thanh Thủy đạt 35,9 triệu USD, tăng hơn 478% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 22,5 triệu USD, kim ngạch nhập khẩu đạt 13,4 triệu USD, thu ngân sách nhà nước đạt hơn 33,3 tỷ đồng.
Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang tác động, ảnh hưởng sâu sắc mọi lĩnh vực đời sống xã hội. Là lực lượng nòng cốt, chuyên trách quản lí, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia và quản lí cửa khẩu, kiểm soát xuất, nhập cảnh theo quy định của pháp luật, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế (CKQT) Thanh Thủy đã lắp đặt các thiết bị tự động, tập huấn phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin để phục vụ giải quyết thủ tục xuất, nhập cảnh cho nhân dân và du khách.
Cuối năm ngoái, CKQT Thanh Thủy được trang bị hệ thống kiểm soát xuất, nhập cảnh tự động. Việc đưa vào sử dụng hệ thống tự động này sẽ giúp làm thủ tục nhanh, chính xác hơn, tạo điều kiện thông thoáng, không gây phiền hà cho người dân và du khách.
Thượng úy Đỗ Trọng Tín, Phó trạm Trưởng Trạm Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Thanh Thủy cho biết: “đầu năm nay, nước bạn bắt đầu mở cửa biên giới trở lại sau một thời gian dài đóng cửa phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Theo đó, trung bình mỗi ngày Cửa khẩu Quốc tế Thanh Thủy tiếp đón khoảng 200- 400 lượt người làm thủ tục xuất, nhập cảnh.
Cửa khẩu Thanh Thủy được Bộ Tư lệnh BĐBP đầu tư hệ thống kiểm soát người tự động. Đây là hệ thống được lập trình các phần mềm để kiểm soát người qua lại cửa khẩu. Do đó, du khách khi thông quan sẽ đặt hệ thống giấy tờ lên vị trí quét của máy, nếu hợp lệ sẽ đi vào hệ thống qua từng công đoạn. Hệ thống máy kiểm soát này có 2 luồng giải quyết nhanh gọn cho du khách khi nhập cảnh.
Việc đưa hệ thống tự động vào làm cho thời gian giải quyết thủ tục hành chính nhanh gọn hơn, rút ngắn thời gian cho du khách. Các hệ thống máy tính sẽ được liên thông đến Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh và Bộ Tư lệnh BĐBP.
Việc vận hành các thiết bị này khá đơn giản. Các thông tin hành khách được tích hợp trên phần mềm. Trước đây, cán bộ Biên phòng mỗi khi làm các thủ tục xuất, nhập cảnh, phải đối chiếu nhận diện người trực tiếp, sau đó thao tác nhập dữ liệu bằng tay vào máy tính, rồi mới tới bước đóng dấu thông hành. Cả quá trình này mất khoảng 10 – 15 phút mới giải quyết xong. Nhưng nay, khi được áp dụng công nghệ hiện đại, thời gian cho mỗi lượt khách vào làm thủ tục chỉ tầm 2 – 3 phút là hoàn tất.
Thượng úy Đỗ Trọng Tín cho biết thêm, hệ thống kiểm soát xuất nhập cảnh tự động dựa vào đặc điểm sinh trắc học để kiểm tra, đối chiếu vân tay của người làm thủ tục với vân tay đã được đăng ký trước. Vì vậy, hệ thống nhận dạng chính xác, có thể phân loại và so sánh giữa đối tượng quản lý nghiệp vụ, giúp cho lực lượng quản lý cửa khẩu có thể phát hiện và kiểm soát đối tượng một cách nhanh chóng, kịp thời có biện pháp nghiệp vụ khi gặp đối tượng nguy hiểm.
Ngoài ra, hệ thống có thể đồng bộ hóa được khuôn mặt, vân tay và dữ liệu của hành khách giúp kiểm soát viên kiểm tra một cách nhanh chóng về thông tin của nhân dân, hành khách.
Chị Hầu Si Xính (SN 1978, trú tại TP. Hà Giang) do yêu cầu công việc làm ăn, thường xuyên qua lại Cửa khẩu Quốc tế Thanh Thủy. Từ khi áp dụng cửa xuất, nhập cảnh tự động chị rất hài lòng vì tiết kiệm được nhiều thời gian, công sức.
“Trước đây, mỗi lần phải tới cửa khảu để làm thủ tục xuất cảnh sang Trung Quốc….. tôi đều phải có mặt từ sớm, xếp hàng chờ tới lượt để vào làm thủ tục. Nhưng giờ đây, tôi chỉ cần có mặt trước tầm 5 -10 phút để scan giấy tờ. Các thao tác rất dễ làm. Chị Hầu Si Xính phấn khởi chia sẻ.
Theo định hướng quy hoạch vùng, tỉnh Hà Giang nhấn mạnh vai trò vùng giáp biên trong việc giữ gìn an ninh, chính trị, ổn định để phát triển kinh tế - xã hội, tập trung phát triển trục hành lang Quốc lộ 2 với các cực tăng trưởng quan trọng nhất của tỉnh: Khu kinh tế cửa khẩu Thanh Thủy - Thành phố Hà Giang - Thị xã Vị Xuyên - Thị xã Bắc Quang.
Thanh Thủy - Thiên Bảo là cặp cửa khẩu song phương đầu tiên được nâng cấp lên cửa khẩu quốc tế kể từ khi hoàn thành công tác phân giới cắm mốc trên tuyến biên giới đất liền Việt-Trung. Điều này có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc thúc đẩy quá trình hội nhập quốc tế của hai địa phương Hà Giang – Vân Nam nói riêng, tạo điều kiện thuận lợi cho giao lưu và hợp tác giữa hai nước Việt Nam – Trung Quốc và kết nối với các nước khu vực kinh tế ASEAN trên tất cả các lĩnh vực nói chung.
Với vai trò là lực lượng chủ công, nòng cốt trên khu vực biên giới, việc áp dụng hệ thống kiểm soát tự động góp phần hỗ trợ công tác kiểm soát xuất, nhập cảnh tại vùng biên giới, không chỉ mang lại sự tiện lợi, nhanh chóng, kịp thời cho người dân và du khách, mà hệ thống còn giúp nâng cao hiệu quả về chuyên môn, nghiệp vụ cho lực lượng chức năng, đảm bảo an ninh, phòng, chống tội phạm.