Năm 2024 là năm thứ 2 con gái của chị Trần Thị Màu, hộ nghèo ở ấp Gò Cát, xã Điền Hải, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu, đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản. Trước đó, nhiều năm quanh quẩn bên mấy công vuông nuôi trồng thủy sản, gia đình chị Màu vẫn quẩn quanh không tìm được lối ra. Nay, mỗi tháng con gái chị gửi về cho gia đình 20 triệu đồng, gấp 3 lần mức thu nhập khi còn lao động trong nước. Số tiền con gửi về, chị trang trải cuộc sống sinh hoạt gia đình, trả nợ, tích luỹ để khi con trở về có chút vốn làm ăn. 

Cũng thuộc diện khó khăn ở xã Điền Hải, huyện Đông Hải là gia đình bà Mai Thị Hon, ở ấp Huy Điền. Con trai bà vừa xuất ngũ, gia đình thuộc diện được địa phương tạo điều kiện vay vốn 100% chi phí để sang Nhật Bản lao động. Sau thời gian đi làm việc tại Nhật Bản, con của bà ngoài việc gửi tiền hàng tháng, còn tích góp trả tiền đã vay, cuộc sống gia đình bớt khó khăn.

Thống kê của Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bạc Liêu, đa số người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng có thu nhập ổn định. Sau khi trừ các chi phí sinh hoạt tại nước ngoài, bình quân mỗi lao động thu nhập từ 15-30 triệu đồng tuỳ thị trường, công việc. Nhờ nguồn tiền được gửi về từ con em đi xuất khẩu lao động, nhiều gia đình không chỉ thoát nghèo mà còn có vốn tích lũy, cải thiện cuộc sống. 

W-A6 NG DUC THÀNH X VAN HA V YEN _9406.jpg
Xuất khẩu lao động mang lại hiệu quả kép: Vừa góp phần giảm nghèo bền vững, vừa hình thành được đội ngũ lao động có tay nghề cao.

Đông Hải nơi gia đình bà Hon và chị Màu sinh sống là huyện miền biển còn nhiều khó khăn của Bạc Liêu. Những năm gần đây, địa phương luôn nằm trong nhóm đầu, trở thành điểm sáng của tỉnh Bạc Liêu về xuất khẩu lao động.

Thông tin từ Phòng LĐ-TB&XH huyện, từ đầu năm đến nay, Đông Hải đã đưa gần 170 lao động xuất cảnh làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng lao động, chiếm tỷ lệ 165%, đạt và vượt chỉ tiêu tỉnh giao (chỉ tiêu tỉnh giao 100 lao động), gấp 3 lần năm 2023. Các thị trường chủ yếu như, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc)… Đây được đánh giá là thị trường phù hợp với người lao động, mức chi phí đi thấp, thu nhập ổn định từ 30 - 40 triệu đồng/tháng/người.

Từ nguồn kinh phí Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, Phòng LĐ-TB&XH huyện Đông Hải phối hợp với các xã, thị trấn mở 36 lớp dạy nghề cho lao động nông thôn với gần 1.000 học viên. Đồng thời, huyện giải quyết, tạo việc làm cho 5.119 lao động đi làm việc trong và ngoài tỉnh (trong tỉnh 593 lao động, ngoài tỉnh 4.526 lao động), vượt chỉ tiêu HĐND huyện giao. 

Kinh nghiệm của huyện Đông Hải là hằng năm, UBND huyện rà soát, kiện toàn Ban Chỉ đạo Chương trình việc làm, giảm nghèo và đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Các Ngày hội việc làm được tổ chức, chú trọng tọa đàm, tư vấn, giới thiệu việc làm, khởi nghiệp cho lao động.

Đặc biệt, các sự kiện này cũng tăng cường giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm, hiệu quả đạt được từ các gia đình có con em đi lao động ở nước ngoài, như việc giúp đỡ các gia đình thoát nghèo, có vốn liếng tích luỹ. Hơn thế, lao động được làm việc ở môi trường lớn, chuyên nghiệp, được rèn luyện tác phong nhanh nhẹn, kỷ luật, nề nếp, là phẩm chất tốt để hiệu suất công việc đạt mức cao.

Việc chia sẻ này góp phần thực hiện tốt công tác vận động, tuyên truyền, thu hút sự quan tâm của người dân. Bên cạnh đó, huyện còn tuyên truyền qua các nền tảng số như: Facebook, Zalo… từ đó tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho người lao động có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài tìm hiểu, quyết định. Đây là các cách làm để tỷ lệ lao động đi làm việc ở nước ngoài tại Đông Hải năm sau luôn cao hơn năm trước.

Xuất khẩu lao động ngày càng chứng tỏ là giải pháp mang lại hiệu quả “kép” bởi không chỉ góp phần giảm nghèo, nâng cao đời sống người dân mà còn hình thành được đội ngũ lao động có tay nghề cao, chất lượng.

Trên toàn tỉnh Bạc Liêu, năm 2024, tỉnh đưa 628 lao động đi làm việc ở nước ngoài, đạt gần 125% so với kế hoạch năm, tăng trên 29% so với cùng kỳ. Thành quả này của tỉnh cũng đạt được nhờ những cách làm tương tự huyện Đông Hải, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người trong độ tuổi, đảm bảo đủ điều kiện đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng. Năm 2024, Trung tâm phối hợp tổ chức 14 phiên giao dịch việc làm định kỳ tại trung tâm và lưu động ở các huyện, đặc biệt tổ chức thành công phiên giao dịch việc làm cấp tỉnh. Các phiên giao dịch thu hút gần 2.500 lao động. 

Tại Bạc Liêu, để hỗ trợ lao động đi làm việc ở nước ngoài, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết về “Quy định hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025”, tổng kinh phí hỗ trợ trên 83 tỷ đồng.

Nhóm lao động thuộc đối tượng 1 như hộ nghèo, cận nghèo... được hỗ trợ không hoàn lại các chi phí: Đào tạo nghề, ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết, tiền ăn trong thời gian đào tạo, chi phí đi lại (lượt đi và về), hỗ trợ tiền khám sức khỏe, làm thị thực (visa). Đồng thời, đối tượng trong nhóm này còn được hỗ trợ vay vốn theo hình thức tín chấp đối với 100% chi phí đi làm việc ở nước ngoài.