Nhiều mô hình hiệu quả
Đến thăm vườn bưởi của ông Lê Hữu Diện ở thôn Trung Cao (xã Trung Hòa, huyện Chương Mỹ), chúng tôi thật sự ấn tượng từ cách nghĩ đến cách làm của người nông dân này. Gia đình ông Diện trồng hơn 300 gốc bưởi Diễn trên khoảng 2ha đồi gò.
Để bảo đảm nguồn nước cho vườn bưởi, gia đình ông đào ao trữ nước, đồng thời đầu tư hơn 50 triệu đồng lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm bằng phần mềm điều khiển từ xa trên điện thoại di động. Bên cạnh đó, chuyển hướng chăm sóc cây từ bón phân vô cơ sang hữu cơ, từ bảo vệ cây bằng thuốc hóa học sang chế phẩm sinh học. Nhờ đó, quả bưởi của gia đình ông đã có trong hệ thống siêu thị, giá trị cao gấp đôi so với cách trồng thông thường...
“Để sống được bằng nghề trồng trọt, việc quan trọng là chuyển từ sản xuất thủ công sang tự động, chăm sóc và bảo vệ cây trồng theo hướng hữu cơ”, ông Diện chia sẻ.
Còn theo Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ) Hoàng Văn Thám, hợp tác xã đã chuyển đổi số trong 2 lĩnh vực: Ứng dụng trạm cảnh báo thời tiết iMetos và cụm công nghệ số eGap trên 17,8ha trồng rau, củ, quả...
Trạm cảnh báo thời tiết iMetos giúp quản lý, giám sát sản xuất, điều chỉnh kế hoạch xuống giống, quy trình chăm sóc rau kịp thời khi thời tiết biến động. Còn cụm công nghệ số eGap giúp hợp tác xã truy xuất nguồn gốc điện tử cho từng hộ trồng rau, từng thửa ruộng rau. Nhờ khai thác hiệu quả việc chuyển đổi số, sản phẩm của hợp tác xã đã có mặt tại các bếp ăn trường học, siêu thị lớn với giá bán ổn định hơn nhiều so với tiêu thụ tại chợ truyền thống.
Từ thành công đạt được, Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn tiếp tục đầu tư hoàn thiện quy trình chuyển đổi số đồng bộ trong sản xuất và phát triển chuỗi cung ứng ra thị trường, kết nối tiêu thụ ở các sàn thương mại điện tử có xác nhận chất lượng eGap trên tem nhãn sản phẩm. Thời gian tới, hợp tác xã tiếp tục đầu tư hệ thống kiểm soát nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng trên diện tích canh tác...
Phòng Kinh tế huyện Chương Mỹ thông tin, có nhiều hợp tác xã trồng lúa, rau, hoa thuộc các xã: Đồng Phú, Thụy Hương, Nam Phương Tiến... đã lắp đặt hệ thống camera giám sát trên cánh đồng, giúp cập nhật thông tin về ngày xuống giống, bón phân, chăm sóc, quy trình sản xuất. Các camera ghi lại và lưu trữ theo thời gian thực về toàn bộ chuỗi sản xuất và người tiêu dùng có thể kiểm chứng qua trích xuất hình ảnh.
Đặc biệt, Hợp tác xã Nông nghiệp Thụy Hương đã lắp đặt hệ thống điều khiển nhiệt độ tự động và tưới phun tự động trong sản xuất hoa lan hồ điệp... Nhiều trang trại chăn nuôi ở các xã: Lam Điền, Đông Sơn, Thanh Bình... lắp đặt hệ thống làm mát chuồng nuôi tự động, có điều khiển nhiệt độ, cấp thức ăn và nước uống tự động cho vật nuôi.
“Không chỉ ứng dụng chuyển đổi số trong truy xuất nguồn gốc, nhiều nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp trên địa bàn huyện Chương Mỹ còn sử dụng internet để tìm hiểu kiến thức, trao đổi kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh nông nghiệp công nghệ cao và quan tâm tới thương mại điện tử, tìm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp...”, Trưởng phòng Kinh tế huyện Chương Mỹ Tống Văn Thái thông tin.
Nâng cấp hạ tầng, xây dựng chính sách hỗ trợ
Chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp là xu thế tất yếu, bước đầu mang lại kết quả tích cực. Tuy nhiên, việc chuyển đổi số ở huyện Chương Mỹ vẫn còn gặp không ít khó khăn. Các mô hình chỉ mới ở mức quy mô nhỏ, tỷ lệ ứng dụng đại trà công nghệ số còn nhiều hạn chế và hầu hết dừng lại ở việc ứng dụng công nghệ từng phần...
Nguyên nhân chủ yếu là do thiếu kinh phí đầu tư hạ tầng công nghệ, trình độ công nghệ thông tin của nông dân còn thấp... Lãnh đạo các hợp tác xã và xã viên trên địa bàn huyện Chương Mỹ cho rằng, các cấp, ngành cần có thêm những cơ chế, chính sách khuyến khích để công tác chuyển đổi số ngày càng lan tỏa mạnh mẽ và sâu rộng hơn.
Liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Nguyễn Đình Hoa cho biết, ngày 17-10 vừa qua, huyện đã ban hành kế hoạch chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trên tất cả lĩnh vực. Đối với sản xuất nông nghiệp, huyện sẽ huy động nguồn lực nâng cấp hạ tầng công nghệ số hiện đại, đồng bộ, xây dựng hệ thống dữ liệu ngành Nông nghiệp; khuyến khích người dân, doanh nghiệp số hóa các quy trình sản xuất, tiến tới tích hợp, minh bạch sản phẩm bằng hệ thống quét mã QR.
Cùng với những giải pháp trên, huyện Chương Mỹ tiếp tục rà soát, đề xuất hoặc xây dựng, hoàn thiện chính sách phục vụ chuyển đổi số trong nông nghiệp phù hợp và kịp thời; đồng thời đẩy mạnh thông tin, truyền thông về sự cần thiết cũng như vai trò, lợi ích của ứng dụng công nghệ số vào quản lý điều hành, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; tăng cường đào tạo, tập huấn, nâng cao trình độ, năng lực tiếp cận chính sách và đưa công nghệ số vào sản xuất, góp phần xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, bền vững.
Trước mắt, huyện đang phối hợp với Viettel Hà Nội tập trung xây dựng hạ tầng, chuyển đổi số trong thanh toán điện tử, không dùng tiền mặt tại các chợ dân sinh trên địa bàn...
Chuyển đổi số là quá trình mới mẻ và cũng đầy khó khăn, thách thức. Với sự chủ động vào cuộc, tin tưởng rằng, nông nghiệp, nông thôn của Chương Mỹ sẽ thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi số, góp phần giúp Chương Mỹ phát triển nhanh, mạnh, bền vững hơn trong thời gian tới.
Theo Kim Nhuệ (Báo Hànộimới)