Tuyên truyền pháp luật đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao nhận thức, thúc đẩy ý thức thượng tôn pháp luật, đặc biệt đối với thanh thiếu niên dân tộc thiểu số (DTTS) – nhóm đối tượng dễ bị ảnh hưởng bởi những yếu tố tiêu cực từ xã hội. Không chỉ góp phần xây dựng cộng đồng văn minh, các hoạt động này còn trực tiếp phòng ngừa tệ nạn xã hội, giảm thiểu tình trạng vi phạm pháp luật trong lứa tuổi học sinh.

Tại huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ, nơi có đông đồng bào dân tộc Mường, Dao sinh sống, các chương trình tuyên truyền pháp luật cho thanh thiếu niên được tổ chức bài bản, sáng tạo và hiệu quả. 

Hiểu được sự quan trọng của giảm nghèo thông tin, các hình thức tuyên truyền pháp luật tại huyện Thanh Sơn được triển khai linh hoạt, từ các cuộc thi sân khấu hóa, tọa đàm, hỏi – đáp trực tiếp, cho đến phát tài liệu minh họa sinh động. Các tài liệu còn được dịch sang tiếng dân tộc để thanh thiếu niên DTTS dễ dàng tiếp cận và hiểu rõ.

Một trong những điểm nhấn nổi bật là cuộc thi "Chúng em tìm hiểu pháp luật" tại Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc, thị trấn Thanh Sơn. Các em học sinh tham gia ba phần thi: chào hỏi, kiến thức và tiểu phẩm tự luận. Thông qua tiểu phẩm "Lỗi Tại Ai", các em đã khắc họa chân thực những tình huống vi phạm luật giao thông đường bộ, giúp truyền tải thông điệp về sự cần thiết của việc chấp hành pháp luật.

tuyên truyền PL
Các em học sinh DTTS ở huyện Thanh Sơn, Phú Thọ trong một buổi tuyên truyền pháp luật.

Không chỉ vậy, tại Trường THCS Thắng Sơn, xã Thắng Sơn, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ, nơi có 85% học sinh là người dân tộc Mường, gần 300 học sinh đã tham gia buổi tuyên truyền về phòng chống bạo lực học đường và vi phạm pháp luật. Bằng cách tổ chức các hoạt động hỏi – đáp trực tiếp, câu đố kiến thức, và tình huống thực tế, học sinh được rèn luyện khả năng xử lý tình huống, từ đó nâng cao nhận thức và hình thành thói quen tốt. Nội dung tuyên truyền tập trung vào các vấn đề thiết thực như bạo lực học đường, phòng chống đuối nước và an toàn giao thông – những chủ đề gần gũi nhưng có tác động mạnh mẽ đến cuộc sống của học sinh.

Chia sẻ sau buổi tuyên truyền, em Đinh Thanh Trúc, học sinh lớp 9A, Trường THCS Thắng Sơn, cho biết: “Con rút ra được nhiều kiến thức bổ ích về an toàn giao thông, như không được đi xe máy khi chưa đủ tuổi, khi ra đường phải đội mũ bảo hiểm đúng quy định.”

Tương tự, em Kiều Ngọc Bảo Châu, học sinh lớp 9A, nhấn mạnh: “Những bài học về bạo lực học đường hay vi phạm pháp luật giúp con trau dồi kiến thức và kinh nghiệm, tự tin hơn trong việc xử lý tình huống khi gặp vấn đề thực tế.”

tuyên truyền pháp luật.jpg
Hoạt động tuyên truyền pháp luật nhận được sự hỗ trợ từ lực lượng công an trên địa bàn.

Hoạt động tuyên truyền pháp luật cũng nhận được sự hỗ trợ từ lực lượng công an. Trung tá Cù Văn Quang, Trưởng Công an xã Thắng Sơn, cho biết: “Hoạt động tuyên truyền pháp luật đã tạo ra những chuyển biến tích cực trong việc nâng cao ý thức pháp luật của đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là thanh thiếu niên. Nhờ sự phối hợp của các bên liên quan, nhiều học sinh và phụ huynh đã thay đổi nhận thức, tự giác tuân thủ quy định pháp luật. Có một số trường hợp các cháu bỏ học, chúng tôi đã tiến hành đến khu dân cư gặp gỡ riêng để tuyên truyền, giáo dục. Qua đó, các cháu các đã đi vào nề nếp, vâng lời bố mẹ, chăm chỉ lao động sản xuất giúp đỡ gia đình, góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn xã”.

Giảm nghèo không chỉ đơn thuần là hỗ trợ kinh tế, mà còn là giảm nghèo thông tin – điều này đặc biệt quan trọng đối với vùng DTTS. Tuyên truyền pháp luật chính là một trong những biện pháp hữu hiệu để thực hiện mục tiêu này. Khi thanh thiếu niên nắm vững kiến thức pháp luật, các em sẽ tự tin hơn trong học tập, cuộc sống, và có khả năng bảo vệ quyền lợi của chính mình.

Các hình thức tuyên truyền sáng tạo không chỉ giúp các em học sinh hiểu đúng, làm đúng mà còn có tác động đến gia đình và cộng đồng xung quanh. Nhờ triển khai tuyên truyền một cách bài bản, đồng bộ và linh hoạt, huyện Thanh Sơn đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. 

Phó Hiệu trưởng Trường THCS Thắng Sơn, ông Chu Thành Lực, khẳng định: “Nhờ các chương trình tuyên truyền, nhận thức của học sinh đã được cải thiện rõ rệt. Các em hiểu biết sâu hơn về quyền và nghĩa vụ của mình, đồng thời biết cách tự bảo vệ bản thân trong các tình huống thực tế.”

Những mô hình tuyên truyền sáng tạo như sân khấu hóa, tài liệu trực quan và tọa đàm đã giúp học sinh tiếp thu kiến thức dễ dàng hơn, từ đó nâng cao ý thức chấp hành pháp luật. Các kết quả đạt được tại huyện Thanh Sơn là minh chứng cho thấy, chỉ cần có thông tin đúng, kịp thời và phù hợp, thanh thiếu niên DTTS sẽ thay đổi nhận thức, nếp nghĩ và hành động, góp phần xây dựng cộng đồng an toàn, văn minh và phát triển bền vững.