Bắc Ninh, Thái Nguyên là hai địa phương thay da đổi thịt nhờ dòng vốn đầu tư nước ngoài có chọn lọc. Từ chỗ thuần nông, Bắc Ninh đã vươn lên mạnh mẽ khi tiếp nhận dòng vốn tỷ đô, trở thành hình mẫu trong thu hút đầu tư nước ngoài, còn Thái Nguyên cũng có cú chuyển mình ngoạn mục với sự xuất hiện của đại gia Samsung (Hàn Quốc).

Diện tích nhỏ nhất, thu nhập cao nhất

Hơn chục năm về trước, Bắc Ninh là địa phương thuần nông có diện tích nhỏ nhất nước. Từ năm 2006, tỉnh này bắt đầu cuộc cách mạng trong thu hút đầu tư nước ngoài. Những tập đoàn đa quốc gia lớn của thế giới như Canon, Foxconn đã chọn Bắc Ninh,... là điểm đến. Bước ngoặt lớn nhất chính là sự xuất hiện của Tập đoàn Samsung (Hàn Quốc) vào năm 2008.

Khi đó, Dự án Samsung Electronics Việt Nam (SEV) tại Bắc Ninh được cấp chứng nhận đầu tiên và đi vào hoạt động từ tháng 4/2009. Đến nay, Nhà máy SEV được đặt tại Khu công nghiệp Yên Phong, Bắc Ninh, có tổng số vốn đầu tư lên tới 2,5 tỷ USD (sau lần tăng vốn thứ hai vào năm 2013). Không dừng ở đó, năm 2014, Samsung đã rót 6,5 tỷ USD cho nhà máy Samsung Display SDV tại Bắc Ninh.

{keywords}
Samsung đã đầu tư tổng cộng hơn 17 tỷ USD vào Việt Nam.

Tính đến nay, các dự án Samsung rót vào Bắc Ninh lên tới hơn 9 tỷ USD, thu hút gần 100 trăm nghìn lao động vào làm việc.

Sự xuất hiện của các “đại gia FDI” như Samsung đã giúp Bắc Ninh thay đổi ngoạn mục. Khu vực kinh tế có vốn FDI của tỉnh Bắc Ninh đã trở thành một bộ phận quan trọng của nền kinh tế. Tỷ lệ đóng góp của khu vực kinh tế FDI trong Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh (GRDP) tăng dần qua các năm. Đến năm 2017, con số này đã tăng lên hơn 133.000 tỷ đồng, chiếm 3,25% GDP cả nước, xếp thứ 4/63 tỉnh thành.

{keywords}
Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh tăng mạnh kể từ 1997 đến nay.

Bắc Ninh cũng chính là địa phương có thu nhập bình quân đầu người cao nhất cả nước, với gần 6.000 USD, gấp 2,5 lần bình quân cả nước.

Ông Nguyễn Tử Quỳnh, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh, cho hay: Năm 2017, tốc độ tăng trưởng của Bắc Ninh đứng đầu cả nước (trên 19%), quy mô kinh tế đứng thứ 4; giá trị sản xuất công nghiệp chiếm 12%; giá trị xuất khẩu chiếm gần 15% cả nước, đứng thứ 2 chỉ sau TP.HCM; đứng thứ 10 về thu ngân sách.

Góp phần tạo nên những thành tựu trên của Bắc Ninh có vai trò đặc biệt của Samsung (năm 2017, DN này chiếm 72% giá trị sản xuất công nghiệp, 91% giá trị xuất khẩu, 18% thu ngân sách nội địa của tỉnh).

Bắc Ninh đã "thay da đổi thịt" hoàn toàn từ khi có dự án sản xuất điện thoại di động của Samsung. Một địa phương khác cũng đang đi trên con đường Bắc Ninh đã trải qua. Đó là Thái Nguyên.

{keywords}
Thu hút FDI vào công nghệ cao là lựa chọn đúng đắn của Việt Nam.

Kỳ tích Thái Nguyên

Năm 2013, Samsung quyết định đầu tư 5 tỷ USD để xây dựng nhà máy sản xuất điện thoại di động lớn nhất thế giới ở Thái Nguyên và 1,23 tỷ USD cho Samsung Điện cơ SEMV tại địa phương này, thu hút hơn 65.000 lao động vào làm việc.

Kể từ khi Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên chính thức đi vào hoạt động đầu năm 2014, hoạt động xuất khẩu của Thái Nguyên đã tăng mạnh từ vài trăm triệu USD/năm lên hàng chục tỷ USD. Thái Nguyên đã ngoạn mục lọt top các địa phương có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất cả nước.

Theo thống kê của UBND tỉnh Thái Nguyên, trong năm 2017, 6 chỉ tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế của tỉnh đã hoàn thành vượt mức kế hoạch đề ra; trong đó, giá trị xuất khẩu đạt 23 tỷ USD, vượt kế hoạch đề ra gần 10%; thu ngân sách ước đạt 12.000 tỷ đồng, vượt so với kế hoạch 33%.

Điểm nổi bật trong phát triển kinh tế ở Thái Nguyên đó là cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch rất nhanh do giá trị sản xuất công nghiệp tăng cao trong 4 năm trở lại đây. Ước tính năm 2017 giá trị công nghiệp - xây dựng chiếm 55,4% tổng giá trị kinh tế, khu vực dịch vụ chiếm 32% và nông - lâm nghiệp - thủy sản chỉ còn chiếm tỷ trọng 12,6%.

Nhắc đến chiến lược thu hút FDI có chọn lọc, đầu tư vào công nghệ cao, GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài, cho rằng: Samsung không những trực tiếp mang vốn đầu tư, công nghệ, phương thức quản trị doanh nghiệp, tạo việc làm và thu nhập cho hàng trăm nghìn người lao động, đóng góp ngày càng nhiều cho kinh tế - xã hội Việt Nam, mà còn có tác động lan tỏa, kéo theo hàng trăm doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư ở nước ta để làm công nghiệp hỗ trợ, cung ứng vật tư, hàng hóa cho Samsung.

“Việc tập đoàn công nghiệp điện tử hàng đầu thế giới Samsung chọn Việt Nam làm cứ điểm sản xuất điện thoại di động, smartphone, máy tính bảng; rồi kết quả năm 2017, kim ngạch xuất khẩu Samsung đạt hơn 50 tỷ USD, chiếm 25% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam,... chứng minh tính hấp dẫn của nước ta đối với việc thu hút tập đoàn kinh tế lớn”, ôn Nguyễn Mại lạc quan về triển vọng thu hút FDI.

Tổng giá trị xuất khẩu của Samsung Điện tử và các công ty con của Samsung tại Việt Nam năm 2017 là 54,4 tỷ USD, tăng 36,3% so với năm 2016 (39,9 tỷ USD), đóng góp 25,4% vào tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam (213,8 tỷ USD)

Tính riêng hai nhà máy SEV và SEVT, tổng giá trị xuất khẩu năm 2017 là 39,9 tỷ USD, tăng 10,2% so với năm 2016 (36,2 tỷ USD), đóng góp gần 20% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

Hà Duy