Căn cứ quân sự Ain al-Asad ở tỉnh Anbar cũng như một căn cứ quân sự khác gần Erbil thuộc vùng người Kurd ở Iraq đã hứng hai đợt "mưa tên lửa" phóng tới từ bên trong lãnh thổ Iran rạng sáng ngày 8/1 (theo giờ địa phương).
Các hình ảnh vệ tinh do công ty tư nhân Mỹ Planet Labs công bố cùng ngày cho thấy cả hai cơ sở này chỉ hứng chịu tổn thất nhỏ, chủ yếu ở các nhà kho và nơi chứa trang thiết bị thay vì các doanh trại.
Ảnh vệ tinh chụp tổn thất tại hai căn cứ quân sự có lính Mỹ đồn trú ở Iraq sau "mưa tên lửa" của Iran ngày 8/1. Ảnh: Planet Labs Inc. |
Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) đã xúc tiến chiến dịch pháo kích nói trên nhằm trả thù việc Mỹ không kích giết hại Thiếu tướng Qassem Soleimani, tư lệnh lực lượng đặc nhiệm Quds thuộc IRGC ở sân bay quốc tế Baghdad, Iraq hồi tuần trước. Theo báo RT, bất chấp các đe dọa về đòn trả đũa thảm khốc, Iran đã xuống thang chỉ sau hai đợt "dội lửa", khẳng định đã đạt được các mục tiêu tự vệ chính đáng.
Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng tuyên bố "mọi chuyện đều tốt đẹp", từ chối đáp trả Iran bằng vũ lực. Trong bài phát biểu trước quốc gia về sự cố tối 8/1, ông Trump đánh giá quyết định của Tehran là "điều tốt đẹp đối với tất cả các bên liên quan".
Không có binh sĩ Mỹ hay Iraq nào thiệt mạng trong các vụ tấn công tên lửa. Lầu Năm góc nói, các hệ thống cảnh báo sớm của họ đã phát hiện các đợt không kích, cho phép lính Mỹ tìm nơi trú ẩn an toàn.
Chính phủ Iraq tiết lộ, Iran thực tế đã gọi điện cảnh báo trước cho họ biết về việc không kích và Baghdad sau đó đã thông tin lại cho Washington. Nhà chức trách Phần Lan và Lithuania, các nước cũng có quân đồn trú tại hai căn cứ Ain Al-Asad và gần Erbil cũng xác nhận đã được báo trước về cuộc tấn công của Iran.
Tất cả những động thái trên làm dấy lên đồn đoán rằng chiến dịch "dội lửa" của Iran chỉ mang tính biểu tượng nhiều hơn là một hành động thực sự làm leo thang xung đột đang tiếp diễn giữa Tehran - Washington. Scott Ritter, cựu lính thủy đánh bộ Mỹ hiện là thanh sát viên vũ khí của Liên Hợp Quốc bình luận, Iran đã chứng minh có khả năng tiêu diệt binh lính Mỹ nếu nước này chọn, nhưng cố tình tránh điều này.
Tuy nhiên, phát biểu trước báo giới, Tướng Lục quân Mark Milley, một tư lệnh hàng đầu của Mỹ cho hay, dựa vào các đánh giá cá nhân, ông tin mục đích của IRGC vẫn là hủy hoại cấu trúc, tàn phá các máy bay, xe cộ và khí tài quân sự khác cũng như giết hại binh lính.
Tuấn Anh