Sau 9 tháng khởi công, cầu Nhơn Trạch, thuộc dự án đường Vành đai 3 TP.HCM đạt hơn 38%, vượt tiến độ 5% so với kế hoạch đề ra. Trên sông, vị trí cây cầu dần định hình. Đây là cây cầu lớn nhất đường vành đai 3, thuộc thành phần dự án 1A, đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch.

Dự án này gồm hai gói thầu là CW1 xây cầu Nhơn Trạch dài 2,6km và gói CW2 là đường dẫn. Phần cầu chính và phần đường dẫn phía TP.HCM đã rút ngắn tiến độ được 4 tháng. Phần cầu phía Đồng Nai chưa bàn giao hết mặt bằng khiến việc thi công gặp khó khăn.

Dự án có tổng chiều dài 8,22km với 6,3km qua tỉnh Đồng Nai và 1,92km qua TP.HCM. Những ngày đầu tháng 7, hàng chục công nhân, kỹ sư tất bật thi công các công đoạn đổ bê tông, đóng dầm, làm các lồng thép. 

Ông Ngô Minh Thành (Kỹ sư trưởng công trình cầu Nhơn Trạch) cho hay, việc đổ bê tông các móng cầu ở giữa sông phải dùng trạm trộn bê tông nổi. "Đa số các công đoạn này đều phải thực hiện vào buổi tối nên các công nhân đều phải ăn ngủ lại lán trại để làm xuyên đêm, đảm bảo tiến độ thi công”, ông Thành nói.

Cầu Nhơn Trạch có thiết kế 39 trụ và hai mố cầu, phần lớn các hạng mục này đang trong giai đoạn khoan cọc. Ở giữa sông đã bắt đầu hình thành các vị trí cột bê tông đường kính 2m được cắm sâu dưới lòng sông hơn 80m.

Một trụ cầu giữa sông mới được đổ bê tông. Theo Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận, đây là một trong những hạng mục khó thực hiện của dự án.

Công trường nằm ở nơi biệt lập với khu dân cư, sông nước bao quanh. Do đó việc đi lại, vận chuyển thiết bị và vật liệu phần lớn bằng đường thủy.

Công trường phía TP.HCM, một số trụ cầu đường dẫn hình thành. Đơn vị thi công đã phát quang cây cối và thấy rõ khuôn đường. Theo Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (chủ đầu tư dự án), phía TP.HCM đã bàn giao hết mặt bằng nên việc thi công thuận lợi. Phần công trình ở đây dự kiến hoàn thành sớm hơn 4 tháng so với hợp đồng.

Phần đường dẫn ở hai đầu cầu tổng chiều dài hơn 5,6km, trong đó điểm cuối sẽ giao với cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Hiện phần mặt bằng phía TP.HCM đã bàn giao hết, đang được phát quang bụi rậm.

Về phía Đồng Nai, việc bàn giao mặt bằng đang chậm khoảng 6 tháng. Theo nhà thầu chính Kumho (Hàn Quốc), nếu mặt bằng tiếp tục được bàn giao chậm hơn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ thi công chung của gói thầu cũng như tiến độ đưa vào khai thác cầu Nhơn Trạch.

Đầu cầu bên phía Đồng Nai, vùng nước thuộc trụ cầu P12-P13, đoạn xã Long Tân, huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai được vận động tập kết thiết bị, máy móc tạm.

Công nhân ở đầu cầu phía Đồng Nai đang gia công các lồng thép rồi sau đó cẩu ra khu vực thi công để thả vào bệ cọc, đổ bê tông. Đại diện nhà thầu cho biết, đã bố trí ca trực làm cả ngày lẫn đêm, kể cả cuối tuần, lễ Tết để có thể hoàn thành thi công sớm hơn dự kiến.

Bản đồ khu vực dự án cầu Nhơn Trạch. 

Dự án thành phần 1A đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch giai đoạn 1 nằm trên địa bàn TP.HCM và Đồng Nai thuộc đường vành đai 3 TP.HCM được Bộ GTVT phê duyệt vào năm 2016 và điều chỉnh lần cuối vào tháng 6/2022. Dự án được xây dựng với quy mô đường cấp III đồng bằng, tốc độ thiết kế 80km/h; rộng 20,5-26m, 4 làn xe cơ giới và 2 làn xe hỗn hợp.

Tổng mức đầu tư dự án 1A là 6.900 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn ODA của Hàn Quốc gần 4.176 tỷ đồng. Số còn lại là vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam trong đó vốn Trung ương là 529 tỷ đồng, ngoài ra có thêm ngân sách của Đồng Nai và TP.HCM.

Toàn tuyến Vành đai 3 TP.HCM, giai đoạn một dự kiến hoàn thành năm 2026, mở ra không gian phát triển các hành lang công nghiệp, kết nối nhiều cụm cảng biển, giảm thời gian đi lại cũng như chi phí logistics. Công trình cũng được kỳ vọng tạo liên kết vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội Vùng trọng điểm phía Nam. 

Ngoài cầu Nhơn Trạch, Vành đai 3 có gần 20 cầu vượt sông, rạch khác. Khi hoàn thành sẽ rút ngắn hành trình từ Đồng Nai đến TP.HCM và giảm ùn tắc cho các tuyến đường nội đô.

Võ Thị Thu, Nguyễn Quyết Thắng, Trần Quang Ninh