Khó khăn trong phân loại, xử lý rác thải
Theo thống kê, hiện nay, trung bình mỗi ngày TP. Hà Nội phát sinh hơn 6.000 tấn rác thải sinh hoạt. Dự tính đến năm 2030, mỗi ngày, Hà Nội sẽ phải xử lý số rác thải gấp gần 1,5 lần con số hiện tại.
Trong khi đó TP.HCM ghi nhận khoảng hơn 9 nghìn tấn rác sinh hoạt thải ra mỗi ngày; tình trạng này ở Đà Nẵng là khoảng hơn 1,2 nghìn tấn.
Đến năm 2030, Việt Nam dự tính có tới 54 triệu tấn rác thải sinh hoạt cần phải xử lý. Tuy nhiên lượng rác hiện nay chủ yếu được xử lý bằng cách chôn lấp, gây ô nhiễm môi trường và lãng phí quỹ đất.
Hiện tại, công tác phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn mới được thực hiện thí điểm ở một số khu vực thuộc đô thị lớn, còn lại, phần lớn rác thải chưa được phân loại tại nguồn, thu gom lẫn lộn sau đó vận chuyển đến bãi chôn lấp.
Nhiều đề án phân loại rác thải tại nguồn đã được thực hiện thí điểm nhưng hầu hết chưa đạt kết quả như kỳ vọng. Công tác phân loại rác thải gặp khó khăn do còn thiếu sự hỗ trợ tài chính, chưa đồng bộ về công nghệ, thiếu đồng bộ trong xử lý và thói quen của người dân.
Hình thành thói quen phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn
Theo các chuyên gia, việc thay đổi thói quen, nâng cao ý thức của người dân là yếu tố quyết định đến việc phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn. Các địa phương có thể cụ thể hóa việc phân loại rác tại nguồn, khuyến khích người dân hình thành thói quen phân loại trước khi đổ rác, tích cực tuyên truyền, vận động, tập huấn, giáo dục người dân về các lợi ích thiết thực của việc phân loại rác.
Hiện nay, rác thải sinh hoạt được chia thành 3 loại chính gồm rác hữu cơ, rác vô cơ và rác tái chế.
Rác hữu cơ là các loại rác dễ dàng phân hủy như thực phẩm thừa, hư hỏng không thế sử dụng, các loại lá cây, hoa, cỏ... Sau quá trình phân hủy, chúng có thể sản xuất làm phân bón hoặc thức ăn cho động vật.
Rác vô cơ là rác không thể sử dụng và cũng không thể tái chế, gồm các chất thải xây dựng, các loại bao bì, vỏ hộp sữa, vật dụng, thiết bị trong nhà, phương pháp xử lý chủ yếu là chôn, lấp.
Rác tái chế khó phân hủy nhưng có khả năng tái chế thành các sản phẩm có thể sử dụng, thường là giấy thải, các loại vỏ hộp chai, lọ, vỏ lon thực phẩm, kim loại.
Việc phân loại và xử lý rác tại nguồn mang lại nhiều lợi ích như: dễ dàng vận chuyển, làm giảm chu kỳ thu gom (7 - 10 ngày mới phải thu gom một lần), tiết kiệm chi phí xử lý. Sau khi phân loại rác, các công ty rác thải chủ yếu chỉ phải xử lý loại rác vô cơ không thể tái chế. Rác hữu cơ có thể phân hủy sẽ được khai thác mùn làm phân bón. Rác vô cơ có thể tái chế thành đồ dùng cho sản xuất đời sống. Nhờ đó, lượng rác thải giảm đi rõ rệt, đồng thời lượng rác có thể tái chế cũng tăng lên.
Không chỉ gia tăng lượng rác tái chế, việc phân loại rác còn góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường và sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên.
Doãn Phong