Dù tình hình có nhiều khó khăn, các hộ kinh doanh cá thể trong lĩnh vực ăn uống, dịch vụ lưu trú và kinh doanh thiết bị không tỏ ra quá bi quan mà tìm nhiều cách thích ứng nhằm bù lấp nguồn khách, nguồn thu sụt giảm hoặc chuyển dần hướng kinh doanh sang một hướng mới để đối phó với ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Dịch vụ lưu trú tìm cách chuyển hướng
Thuê 3 căn hộ thuộc khu vực quận trung tâm quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) để đầu tư cho thuê lại nhiều năm nay, anh Đ.C.Phi (phố Dương Quảng Hàm, Cầu Giấy, Hà Nội) vừa buộc phải thanh lý sớm hợp đồng thuê 2 căn hộ trên phố Tràng Thi và Quang Trung do lượng khách liên tục sụt giảm suốt từ thời điểm sau Tết Nguyên Đán đến nay.
Anh Phi cho biết, chủ nhà cũng không gây khó dễ vì tình hình khó khăn chung là khách quốc tế đến Hà Nội giảm hẳn, nhu cầu thuê ở kiểu homestay càng giảm mạnh hơn, có tháng chỉ kín phòng được 9-10 ngày không đủ chi phí thuê nhà và điện nước nên anh buộc phải trả lại nhà. Với căn hộ còn lại ngay sát khu vực hồ Hoàn Kiếm, anh Phi buộc phải tạm ngừng đón khách từ đầu tháng 2.2020 đến nay do nguồn khách lẻ tẻ, không đều và nguồn tiền thu về, thậm chí chưa đủ chi trả các chi phí điện, nước và nhân viên dọn dẹp vệ sinh chứ chưa nói đến chi phí thuê nhà hàng tháng.
“Tôi tạm thời chuyển về căn hộ này ở vì tiếc địa điểm đẹp và số tiền đầu tư ban đầu. Hy vọng là dịch bệnh sẽ sớm hết, khách quốc tế sẽ sớm tăng trở lại. Tuy nhiên tôi cũng đang nghiên cứu chuyển từ mô hình homestay sang mô hình cho thuê chỗ ngồi làm việc Co-working Space do chi phí đầu tư thấp, lượng khách tại chỗ đều chứ không quá phụ thuộc vào việc ngày nào cũng phải đi tìm khách quốc tế có nhu cầu ở homestay như hiện nay” - anh Phi chia sẻ.
Các cơ sở lưu trú gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh. Trong ảnh là 2 khách nước ngoài ngồi trước một khách sạn mini gần khu vực hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội). |
Dù cũng bị sụt giảm lượng khách đến thuê do ảnh hưởng của dịch bệnh, chuỗi homestay khu vực phố cổ Hà Nội của chị Nguyễn Thị Nga vẫn duy trì được lượng khách đảm bảo không lỗ do chấp nhận cách làm bán dài hạn qua các đại lý.
“Các đại lý thông thường sẽ thu lại 15%-20% trên giá thuê nhưng tôi chuyển hướng sang cách làm qua đại lý do việc tự đi tìm khách lẻ quá vất vả và ngày nào cũng phải lo nguồn khách gối đầu. May là chuyển hướng kịp chứ dịch bệnh và khách sụt giảm như bây giờ cũng khó mà biết có thể trụ được bao lâu” - chị Nga nói thêm.
Bùng nổ bán hàng online
Ông Phạm Thành Long - chủ chuỗi nhà hàng ăn uống trên địa bàn Thái Nguyên - cho biết, ông đang phải tìm nhiều cách làm tăng lượng hàng bán ra trong bối cảnh lượng khách hàng đến ăn uống giảm tới trên 50% so với thời điểm trước khi có dịch. Để giữ chân khách hàng và tăng lượng hàng bán ra nhằm đảm bảo thu nhập nhân viên, các cửa hàng trong chuỗi đều đang tổ chức bán hàng qua mạng hoặc đặt hàng qua điện thoại, giao đồ ăn đến tận nhà khách. “Tuy việc bán hàng qua mạng còn mới mẻ nhưng cũng đã có nhiều đơn hàng” - ông Long cho hay.
Tương tự, theo chủ cửa hàng Phú Châu chuyên cung cấp thực phẩm đóng hộp có địa chỉ tại Thanh Xuân (Hà Nội), để tăng lượng tiêu thụ hàng hoá trong bối cảnh người tiêu dùng ngại tiếp xúc chỗ đông người, cửa hàng đang đẩy mạnh bán hàng qua các kênh trực tuyến như mạng xã hội, Internet hoặc điện thoại tư vấn cho khách hàng để họ không phải đến cửa hàng.
“Sau khi có đơn hàng, chúng tôi tổ chức cho nhân viên hoặc qua đơn vị vận chuyển giao hàng đến tận nhà cho khách, nhờ đó đến nay lượng đơn hàng bán qua kênh này mỗi ngày tăng khoảng 15% - 20% so với thời điểm chưa có dịch bệnh COVID-19. Chúng tôi cũng buộc phải tuyển thêm nhân viên để đảm bảo giao hàng sớm cho khách hàng” - chủ cửa hàng Phú Châu cho biết.
Nắm bắt tâm lý người dân ngại mua bán nơi đông đúc và chuyển dần sang kênh mua bán trực tuyến, các sàn thương mại điện tử như Shopee, Tiki, Lazada hiện đồng loạt triển khai hình thức hợp tác cùng các siêu thị để cung cấp hàng tới người dân.
Bà Nguyễn Thị Kim Dung - đại diện siêu thị Co.opmart Hà Nội - cho biết, trước khi diễn ra dịch, tỉ lệ bán qua kênh online tại Co.opmart chỉ đạt khoảng 5% - 10% nhưng hiện tại lượng khách hàng mua online đang tăng mạnh.
Sẽ có thêm nhiều chính sách hỗ trợ
Theo tìm hiểu của PV, để hỗ trợ doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh và hộ gia đình bị ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề bởi COVID-19, Bộ Tài chính đang đề xuất gia hạn 5 tháng tiền thuế giá trị gia tăng (GTGT) cho các đối tượng này.
Các ngành nghề kinh tế được gia hạn gồm nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; sản xuất chế biến thực phẩm; dệt; sản xuất giày dép; sản xuất điện tử, máy vi tính; sản xuất và lắp ráp ôtô; vận tải (đường sắt, đường thủy, đường bộ, hàng không); dịch vụ lưu trú, dịch vụ ăn uống; du lịch.
Ông Phạm Đình Thi - Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính - cho biết, danh mục ngành nghề được hỗ trợ nêu trên được xác định theo Quyết định 27 năm 2018 của Thủ tướng về ban hành hệ thống ngành kinh tế. Chiếu theo quyết định này thì ngành sản xuất chế biến thực phẩm gồm chế biến bảo quản thịt, sản phẩm từ thịt,… đều được gia hạn.
Riêng đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, cũng theo ông Thi, Bộ Tài chính đề nghị Chính phủ cho gia hạn thuế GTGT mà không phân biệt ngành nghề kinh doanh.
Theo số liệu của ngành thuế, 93% số doanh nghiệp đang đang kê khai và nộp thuế của cả nước có quy mô nhỏ và siêu nhỏ.
Như vậy, sẽ có hơn 93% doanh nghiệp của cả nước được chậm nộp thuế GTGT.
Hà Nội tháo gỡ khó khăn cho hộ, cá nhân kinh doanh do dịch COVID-19 Ngày 16.3, ông Mai Sơn - Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội cho biết - đơn vị đã có văn bản chỉ đạo các phòng, các chi cục thuế thực hiện rà soát, đánh giá tác động của dịch COVID-19 ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các hộ, cá nhân kinh doanh trên địa bàn. Trên cơ sở ảnh hưởng thực tế của dịch bệnh, theo hướng dẫn của Tổng Cục Thuế, lãnh đạo Cục Thuế Hà Nội yêu cầu các đơn vị tập trung đẩy mạnh triển khai thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các hộ, cá nhân kinh doanh. “Các chi cục thuế cần đánh giá, phân loại đúng thực trạng, đúng tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của các hộ kinh doanh trên địa bàn. Báo cáo UBND quận, huyện, thị xã các khó khăn, vướng mắc để chia sẻ và có giải pháp tháo gỡ phù hợp” - ông Sơn nói. Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội đã giao Phòng Kiểm tra nội bộ tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện kỷ cương, kỷ luật của cán bộ công chức, xử lý nghiêm trường hợp cán bộ công chức lợi dụng chính sách, làm sai quy định. Doanh nghiệp tăng nhân sự cho bộ phận chuyển phát Anh Nguyễn Đức Thắng - Trưởng phòng kho vận của một doanh nghiệp tại Hà Nội chuyên kinh doanh các mặt hàng thiết bị chăm sóc sức khỏe, điện tử điện lạnh cho biết: Doanh số bán hàng của công ty qua hình thức mua bán trực tuyến tăng gấp đôi so với thời điểm trước mùa dịch. Các mặt hàng được người tiêu dùng lựa chọn mua sắm qua mạng trong thời điểm này chủ yếu liên quan đến chăm sóc sức khỏe như máy lọc không khí, tạo độ ẩm, máy sấy, thực phẩm chức năng. Công ty cũng đã phải bổ sung nhân sự để giải phóng các đơn hàng nhanh trong khu vực nội thành Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh. |
(Theo Lao Động)